CỰU HỌC SINH TIÊU BIỂU: PHAN THỊ MỸ HẠNH – VĂN K2

THƯỢNG TÁ – TIẾN SĨ PHAN THỊ MỸ HẠNH, CHUYÊN VĂN KHÓA 2

.

          Sinh ra trong một gia đình công chức ở thành phố Hà Tĩnh, bố không may mất sớm, mẹ tảo tần nuôi hai người con ăn học, chính hoàn cảnh khó khăn đã không quật ngã được ý chí miệt mài và nghị lực phi thường của cô học trò nhỏ chuyên Văn trường Năng khiếu Hà Tĩnh ngày nào. Tình yêu thương mẹ và quyết tâm cao chính là động lực hun đúc nên những thành công trên con đường học vấn của chị.

          1. “HỌC TẬP CŨNG NHƯ MẶT TRỜI LUNG LINH NƠI THIÊN ĐÀNG”

          Câu nói của Văn hào người Anh, W.Shakespeare có lẽ đúng với Phan Thị Mỹ Hạnh – cựu học sinh Văn K2 của Chuyên Hà Tĩnh nay là Thượng tá, Phó Trưởng phòng, Văn phòng cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an.

          Năm 1998, chị Hạnh Tốt nghiệp Trường Cảnh sát nhân dân với tấm bằng loại ưu và học thêm bằng Đại học Ngoại ngữ. Thành tích học tập xuất sắc và đáng nể, chị được nhận nhiệm vụ ở Văn phòng Uỷ ban Quốc gia phòng, chống ma tuý, Bộ công an. Đây là cơ quan tham mưu cho Đảng, Chính phủ, Bộ công an chỉ đạo toàn quốc về công tác phòng, chống ma tuý.

          Không an phận thủ thường với một công việc ổn định, không bằng lòng với những thành quả đã có, trong suốt quá trình công tác, chị đã không ngừng nỗ lực học tập miệt mài và bền bỉ. Năm 2016, chị Hạnh bảo vệ xuất sắc Luận án Tiến sỹ; trúng tuyển vào các chương trình đào tạo dài hạn khác nhau hệ sĩ quan an ninh cao cấp và được cử đi đào tạo ở các quốc gia lớn trên thế giới như: tại Úc, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Singapore. Đó thật sự là thành quả đỉnh cao của trí tuệ và hành trình chinh phục con đường học vấn mà bất cứ một người phụ nữ nào ở độ tuổi như chị Hạnh cũng ao ước nếm trải, khát khao chạm đến.

          Khẳng định năng lực, bản lĩnh, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ở đơn vị đang công tác, chị còn được tham gia các khóa Hội thảo, Hội nghị về lĩnh vực phòng, chống tội phạm tại khoảng 25 nước trên thế giới như: Pháp, Úc, Áo, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Phillpin, Malaysia, Trung Quốc…

          Mỗi lần là thành viên của đoàn là những lần “con tàu tri thức” của chị được vươn ra biển lớn và khám phá những chân trời khác lạ. Chị được tiếp xúc, làm việc với những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực phòng chống tội phạm và phòng, chống ma túy. Chị được hiểu sâu hơn về đối tượng tội phạm mà chuyên ngành chị theo đuổi: tội phạm ma túy – loại tội phạm rất manh động, đầy liều lĩnh, đầy những mánh khóe tinh vi, ranh mãnh và là “bài toán hóc búa” với bất cứ chuyên án nào.

          Hiện nay, chị Hạnh giữ chức vụ là giảng viên kiêm chức tại Học viện Cảnh sát nhân dân. Ngoài ra, chị còn tham gia giảng dạy tại Đại học quốc gia Hà Nội. Có trong tay văn bằng chứng chỉ Ngoại ngữ, chị dạy bằng Tiếng Anh cho lực lượng Hành pháp của các nước ở nhiều khóa đào tạo, tập huấn do Bộ Công an tổ chức; tham gia chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học trong ngành Công an…

          Nhìn lại hành trình học tập của mình, chị Hạnh giản dị chia sẻ với chúng tôi: “Mình đã không ngừng nỗ lực, vươn lên trong học tập!!!”. Nhưng có lẽ, với người phụ nữ này “Học vấn không có quê hương” và “Học tập thật sự cũng như Mặt trời lung linh nơi thiên đàng”( W.Shakespeare).

          2/ “NHÀ LÀ NƠI… BÃO DỪNG SAU CÁNH CỬA”

          Với tính chất công việc phải thường xuyên đi công tác trong nước và nước ngoài dài ngày, chị chia sẻ: “Có những chuyến đi công tác xa, vượt qua cả mấy đường chân trời, đáp chân xuống máy bay ở nước bạn, nghĩ đến con thơ vắng mẹ, gian bếp lạnh lẽo vắng ngọn lửa mỗi tối, khiến lòng mình trống vắng”.

Thế nhưng, chị đã luôn “tròn vai”, cân bằng được giữa công việc và gia đình. “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, chị Hạnh vừa đảm nhiệm và thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao, đồng thời vừa hoàn thành xuất sắc vai trò làm vợ đảm, làm mẹ đảm trong gia đình.

          Là “người thầy lớn” của con trai, chị Hạnh đã nuôi dạy con trai xuất sắc dành học bổng du học tại 4 trường Đại học ở Úc và Mỹ. Hiện tại, con chị đang là du học sinh tại Úc. Trong mắt cậu con trai nhỏ, mẹ cậu là “người thầy đầu tiên”, “người thầy mẫu mực” mà cậu đầy yêu thương và trân trọng.

          Chị Hạnh trải lòng với chúng tôi: “Có những ngày công việc bận rộn, đầu óc căng lên như dây đàn, chỉ cần trở về nhà, những vất vả, mệt mỏi tan biến. Gia đình với chị luôn là chỗ dựa vững chắc, là hậu phương lớn, là tổ ấm thân thương nhất sau những ngày công việc tất bật”. Thật vậy, với chị Hạnh, nhà là nơi để về, là nơi “Bão dừng sau cánh cửa”, là những khoảnh khắc sum vầy giản dị, và là điều bình yên chờ đợi mỗi đứa con trở về.

          Tâm sự về kí ức “Chuyên Hà Tĩnh trong tôi”, chị không giấu sự biết ơn trong ánh mắt: “Chuyên Hà Tĩnh luôn là ký ức vẹn nguyên trong tim chị. Ở đó thầy cô giảng dạy với tất thảy tâm huyết, yêu quý học trò như các con của mình, bạn bè trong lớp luôn yêu thương, trân trọng, chân thành giúp đỡ lẫn nhau”. Chị nói: “Trường Chuyên Hà Tĩnh là cái nôi vững chắc, cho chị tri thức, sự tự tin, niềm say mê học tập và nghiên cứu khoa học”.

          Mọi người sẽ bắt gặp trên facebook hình ảnh chị tươi tắn, xinh đẹp ghi dấu những vùng đất chị từng đi qua, nếu không biết nghề nghiệp của chị, chắc sẽ không ai nghĩ đấy chính là một trong những “bông hồng thép” đầy bản lĩnh của lực lượng Công an nhân dân.

You may also like...