CỰU HỌC SINH TIÊU BIỂU: TRẦN HOÀNG TÙNG – TK10

TIẾN SĨ TRẦN HOÀNG TÙNG – CHUYÊN TOÁN KHÓA 10

.

           “Nếu các bạn học Chuyên thì tố chất của các bạn đã đủ. Còn lại, yếu tố quan trọng số 1 là các bạn phải thích, thật sự đam mê. Các yếu tố khác các bạn không cần phải quan tâm tới”. Đó là lời chia sẻ rất sâu sắc từ những năm tháng học tập, khổ luyện để đi tới thành công như ngày hôm nay của anh Trần Hoàng Tùng, cựu học sinh chuyên Toán khoá 10 trường THPT Chuyên Hà Tĩnh.

           Từng tốt nghiệp cử nhân ở trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN, sau đó học liên thông Thạc sĩ theo chương trình liên kết với Đại học Paris Sud 11, rồi làm Tiến sĩ ở Đại học Jean-Monnet, Pháp. Anh Trần Hoàng Tùng hiện đang là giảng viên khoa Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) ở trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà nội (USTH) – tên thường gọi là Đại học Việt Pháp. Đây là trường đại học Công lập được thành lập bởi sự hợp tác của 2 chính phủ Việt Nam và Cộng hoà Pháp. Chương trình giảng dạy ở trường là theo chuẩn châu u, kéo dài 3 năm thay vì 4 năm như các trường đại học khác.

           Chúng tôi đã liên hệ và có một cuộc trò chuyện để hiểu thêm về công việc của anh.

           Chào anh! Anh có thể giới thiệu đôi nét về bản thân?

           Tôi là Trần Hoàng Tùng, là cựu học sinh chuyên Toán khóa 10 của trường Chuyên Hà Tĩnh. Hiện tôi đang là giảng viên khoa Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) ở trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà nội (USTH) – tên thường gọi là Đại học Việt Pháp.

           Anh có thể cho biết cơ duyên nào dẫn anh tới với nghề giáo được không?

           Về nghề nghiệp thì có lẽ là do tính cách tự do, thích gì thì làm đó và một niềm yêu thích với các môn học cơ bản như toán. Với tính cách này thì làm nghiên cứu là lựa chọn phù hợp – thích tìm tòi, nghiên cứu gì hoàn toàn là quyền tự do của bản thân. Ngoài ra tôi cũng có ít nhiều hứng thú với việc giảng dạy, cũng như có một ít năng khiếu (hồi đại học thỉnh thoảng lại gia sư cho các bạn trong lớp về các môn khó chẳng hạn). Vừa muốn giảng dạy, lại muốn làm nghiên cứu tự do, thế thì làm giảng viên ở trường đại học là sự lựa chọn phù hợp nhất.

           Vừa giảng dạy vừa nghiên cứu, chắc hẳn trong quá trình làm việc anh sẽ gặp không ít khó khăn chứ ạ?

           Tất nhiên là ngành nghề nào cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng. Thuận lợi nhất là tự do, muốn gì làm nấy. Và khó khăn nhất cũng chính là… tự do, muốn gì làm nấy!

           Trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu ấy có điều gì thú vị để lại cho anh nhiều ấn tượng không?

           Tôi sẽ nói về giảng dạy cho nó vui! Thường cuối mỗi môn tôi sẽ phát cho sinh viên một tờ giấy phản hồi về môn học, trong ấy có hỏi 3 câu: “ Bạn thích nhất điều gì, ghét nhất điều gì và muốn thay đổi điều gì trong môn học này? ”. Các sinh viên đều thoải mái trả lời theo suy nghĩ vì phản hồi này không ghi tên sinh viên. Thu thập lại từ tất cả sinh viên và ngồi đọc cũng có rất nhiều cảm xúc. Có cái không liên quan gì môn học nhưng đọc cũng cười nắc nẻ, ví dụ có bạn góp ý “thầy nên nói tiếng Việt nhiều hơn vì giọng Nghệ Tĩnh nghe rất hay” (chương trình giảng dạy ở trường là hoàn toàn bằng tiếng Anh).

           Vừa là người làm trong ngành giáo dục, vừa là cựu học sinh, từng được học tập và rèn luyện dưới mái trường Chuyên Hà Tĩnh, anh có thể đưa ra vài chia sẻ về môi trường giáo dục ở đây ?

           Môi trường giảng dạy ở trường CHT khá hiền hoà, các bạn được tự do phát triển trình độ của mình. Không có sự ganh đua quá lớn trong lớp, ít nhất thời tôi học là như vậy. Những bạn siêu giỏi sẽ cạnh tranh nhau, các bạn khá thì nhìn các bạn giỏi để cố gắng. Các thầy cô cũng dành nhiều sự quan tâm cho lớp. Thời của tôi, thầy Hùng dạy toán đầy năng lượng và sức trẻ, không biết bây giờ thầy có nhiệt huyết hơn xưa không ?

           Thời học sinh chắc chắn là quãng thời gian có nhiều kỉ niệm, anh có thể kể lại một vài kỉ niệm sâu sắc nhất khi học dưới mái trường Chuyên Hà Tĩnh không ?

           Kỷ niệm sâu sắc nhất thì sẽ không gắn với việc học, học sinh mà! Toán K10 có một kỷ niệm đục tường xuyên qua lớp bên cạnh (lớp Lý) và bẻ cả 3 cánh quạt trần vuông góc 90 độ. Hồi ấy thì cũng khá nghiêm trọng, các ban bệ của lớp bị gọi lên kỷ luật đủ các mức độ, nhưng giờ lớp Toán K10 mà ngồi với nhau thì không thể không nhắc đến kỷ niệm này và cười như nắc nẻ!

           Anh có lời khuyên gì cho các bạn đang là học sinh Chuyên Hà Tĩnh có ý định đi theo nghề giáo như anh ?

           Có lẽ là một lời khuyên chung cho câu hỏi này, vì nói riêng cho ngành giảng viên thì nó vẫn sẽ đúng. Nếu bạn đã theo học ở trường chuyên, thì tố chất của bạn đã đủ. Còn lại, yếu tố quan trọng số 1 là các bạn phải thích, thực sự đam mê. Các yếu tố khác không cần phải bận tâm tới.

           Xin cảm ơn những chia sẻ thú vị của anh! Chúc anh có thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công hơn nữa trên con đường giảng dạy của mình.

~News Team~

You may also like...