GƯƠNG MẶT CỰU HỌC SINH TIÊU BIỂU: LÊ HỒNG HIỆP – ANH K2

TS. LÊ HỒNG HIỆP: “NGƯỜI MANG QUỐC TẾ VỀ VỚI VIỆT NAM”

.

          Những tờ báo, những bản tin thời sự, bài nghe tiếng Anh qua đài cassette, radio, hay BBC “tiếng được tiếng mất” là động lực bắt đầu hành trình trở thành “Người mang quốc tế về với Việt Nam” của Ts. Lê Hồng Hiệp – cựu học sinh chuyên Anh K2 của trường THPT Chuyên Hà Tĩnh.

          Lê Hồng Hiệp hiện là nghiên cứu viên cao cấp và điều phối viên Chương trình Nghiên cứu Việt Nam của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ( ISEAS-Yusof Ishak Institute, Singapore) và là đồng biên tập tạp chí Contemporary Southeast Asia – tạp chí chủ chốt của Viện về các vấn đề chính trị và chiến lược của khu vực. Từ năm 2013 anh còn là nhà sáng lập và điều hành Dự án Nghiên cứu Quốc tế – một dự án phi lợi nhuận dựa trên đóng góp của cộng đồng nhằm biên dịch các tài liệu nước ngoài và xây dựng một kho học liệu chuyên ngành về nghiên cứu quan hệ quốc tế cho các sinh viên, giảng viên và những người quan tâm tìm hiểu về các vấn đề quốc tế tại Việt Nam.

          Cơ duyên gắn bó với những công việc hiện tại, theo Ts. Hiệp, là do từ nhỏ, anh đã có niềm đam mê với các bản tin thời sự trong nước và quốc tế, thích đọc báo và tin tức. Kết thúc ba năm học tại trường THPT Năng khiếu Hà Tĩnh, với hành trang vào đời là 2 lần đạt giải Ba quốc gia môn Tiếng Anh, Hiệp quyết định hiện thực hóa ước mơ của mình khi chọn Học viện Ngoại giao để theo học. Năm 2003, Hiệp tốt nghiệp thủ khoa, tiếp tục theo học Trường đại học Quốc gia Úc với học bổng Thạc sĩ Quan hệ Quốc tế và Thạc sĩ Ngoại giao. Năm 2014, anh hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ về Chính trị học tại Đại học New South Wales (Australia).

          Chia sẻ với chúng tôi về trải nghiệm nghề nghiệp của mình, anh nói: “Tôi thường được các báo đài quốc tế phỏng vấn về các vấn đề liên quan đến Việt Nam, bao gồm những lần phỏng vấn trực tiếp bằng tiếng Anh với các kênh tin tức quốc tế lớn như BBC (Anh), Channel NewsAsia (Singapore), hay CGTN (Trung Quốc). Những lần lên sóng như vậy tôi lại nhớ tới những ngày cấp 3 học tiếng Anh với Thầy Luận, Cô Loan… cùng các bạn bè ở lớp chuyên Anh K2. Những ngày tháng đó còn nhiều khó khăn, học tiếng Anh chủ yếu qua những cuốn giáo trình photo, hay luyện nghe thì phải dùng băng cassette hoặc nghe radio đài BBC, VOA…tiếng được tiếng mất. Nhưng chính những trải nghiệm đó giúp tôi có được nền tảng ban đầu để làm chủ tiếng Anh và có được chìa khóa mở cánh cửa bước ra thế giới, giúp tôi có cơ hội không chỉ học tập mà còn làm việc trong môi trường quốc tế. Hiện tại, qua công việc của mình, tôi vừa muốn giúp người Việt Nam hiểu thế giới hơn (như qua Dự án Nghiên cứu Quốc tế), vừa muốn giúp thế giới hiểu hơn câu chuyện Việt Nam (như qua các nghiên cứu về các vấn đề Việt Nam mà tôi xuất bản). Cả hai khía cạnh này đều cần đến khả năng ngoại ngữ tốt. Vì vậy, tôi càng cảm thấy biết ơn hơn những nền tảng ban đầu mà tôi đã có được từ môi trường chuyên Anh tại trường Chuyên Hà Tĩnh”. Cũng theo Ts. Lê Hồng Hiệp, những ký ức đã cũ, nhưng khi nhìn lại, người ta vẫn sẽ thấy yêu thương đó hiện hữu. Xa trường nhưng trong đôi mắt anh, trong trái tim anh, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh – nơi có thầy cô tâm huyết, có những khoảnh khắc đáng nhớ, có những tình bạn trong sáng, đẹp đẽ và bền vững nhất – vẫn luôn là nơi khởi đầu cho chuyến đi về nơi anh mơ ước, về nơi anh thành công. Cũng vì vậy, anh luôn đặt niềm tin vào các thế hệ học sinh của trường, tin rằng học sinh Chuyên sẽ luôn phát huy năng lực, “trở thành những câu chuyện thành công, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước nói chung và của quê hương nói riêng”. Bên cạnh đó, anh còn có lời chia sẻ và định hướng cho những học sinh đang có dự định theo đuổi ngành Quan hệ quốc tế: “Việt Nam đang ngày càng hội nhập với thế giới và thế giới cũng ngày càng quan tâm hơn tới câu chuyện thành công của Việt Nam, nên ngành quan hệ quốc tế sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng, là một cánh cửa có thể mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp”.

          Học quan hệ quốc tế, ra trường sẽ có thể làm việc trong rất nhiều ngành nghề, không chỉ là ngoại giao, đối ngoại, mà còn tài chính, kinh doanh, báo chí – truyền thông, marketing, nhân sự, phiên dịch, hay giảng dạy, nghiên cứu… mà thậm chí, có những người bạn học cùng Học viện Ngoại giao với Ts. Hiệp trước đây giờ là phi công! Một thuận lợi của những người học về quan hệ quốc tế là thường có khả năng ngoại ngữ khá giỏi và tầm nhìn toàn cầu, đều là những điều kiện căn bản để có thể dẫn lối đến thành công trong một thế giới hội nhập ngày nay. Bất luận, công việc đó là gì đi chăng nữa. Để thành công với ngành này, cần có đam mê và cố gắng trang bị cho mình khả năng ngoại ngữ tốt. Ngoài ra, cũng có thể theo dõi các bài viết trên Nghiencuuquocte.org để làm quen với các kiến thức chuyên ngành từ sớm và tích lũy đam mê.

          Thường xuyên dõi theo ngôi trường t1hân yêu của mình, TS. Lê Hồng Hiệp còn khẳng định anh sẽ luôn ở phía sau ủng hộ các thế hệ học sinh của trường THPT Chuyên Hà Tĩnh. Không chỉ TS. Hiệp tự hào khi được học tập, nuôi dưỡng bởi tập thể trường Chuyên, mà thầy cô, bạn bè Nhà trường cũng rất tự hào khi có một người trò ngoan, giỏi giang và thành đạt như anh: “Dù cho tung cánh muôn phương/ Ơn thầy- nghĩa bạn- tình trường, không quên”.

~ News Team~

You may also like...