ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY – CHÌA KHÓA ĐỂ PHÁT TRIỂN PHẨM CHẤT, NĂNG LỰC CỦA HỌC SINH

ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY – CHÌA KHÓA ĐỂ PHÁT TRIỂN

PHẨM CHẤT, NĂNG LỰC CỦA HỌC SINH

ThS. Trương Thị Nhật Anh – Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh

Toàn ngành giáo dục Hà Tĩnh đang chuyển mình mạnh mẽ, tích cực đổi mới căn bản, toàn diện để hướng đến mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực người học. Trong tiến trình đó, Sở GDĐT Hà Tĩnh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhất là nâng cao vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo trong đổi mới giáo dục phổ thông – mà trước hết thể hiện qua sự nhận thức đầy đủ về đổi mới phương pháp dạy học. Thành công này được minh chứng rõ nét qua bước đột phá tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh năm học 2020 – 2021.

Đây là năm đầu tiên, Sở GDĐT tổ chức Hội thi GVDG theo Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT ngày 20/12/2019 của Bộ GDĐT, Hội thi được tổ chức với 02 nội dung. Nội dung thứ nhất là phần báo cáo biện pháp nâng cao chất lượng công tác giảng dạy trong đó giáo viên xây dựng báo cáo về biện pháp nâng cao chât lượng và thuyết trình về giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy; làm rõ giải pháp được thể hiện trong tiết dạy như thế nào hoặc cung cấp những minh chứng về tính hiệu quả của giải pháp. Nội dung thứ hai là phần thi thực hành tiết giảng đổi mới theo công văn 5512-BGDĐT/GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Qua đó, mỗi GV tham dự hội thi được trải nghiệm, thử sức không chỉ về kiến thức chuyên môn mà còn phát huy các năng lực, kĩ năng tổ chức lớp học, kĩ năng sử dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực. Hội thi GVDG là một hoạt động chuyên môn hết sức bổ ích và quan trọng nhằm tạo động lực giúp các giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn và phương pháp giảng dạy; là cơ hội để giáo viên các trường phổ thông trao đổi, chia sẻ, học hỏi phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; là cơ hội tốt để đánh giá việc áp dụng các kỹ thuật dạy học và các phương pháp dạy học tích cực mà Bộ GDĐT đang triển khai tập huấn cho giáo viên nhằm triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới, từ đó Sở GDĐT có những điều chỉnh trong công tác chỉ đạo và tập huấn chuyên môn cho cán bộ, giáo viên.

Một tiết học theo phương pháp mới tại trường THPT Chuyên Hà Tĩnh

Có thể nói, Hội thi GVDG THPT cấp tỉnh năm học 2020-2021 đã thành công tốt đẹp trên mọi lĩnh vực. Kết quả của Hội thi, Giám đốc Sở GDĐT đã công nhận và cấp giấy chứng nhận GVDG cho 184 giáo viên với  07 giải Nhất, 39 giải Nhì, 59 giải Ba, 79 giải Khuyến khích. Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh tiếp tục khẳng định là đơn vị dẫn đầu khi 12 thầy cô tham dự Hội thi ở 08 bộ môn đều đã được Ban giám khảo đánh giá cao năng lực, trình độ chuyên môn, biện pháp giáo dục, phương pháp dạy học. Kết quả 100% giáo viên đều đạt giải với 05 giải Nhất (Ở các môn Địa lí, Lịch Sử, Sinh học, Tin học và Vật lí), 04 giải Nhì và 03 giải Ba.

Có được kết quả đó là nhờ sự chủ động của ban giám hiệu Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh trong việc triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục theo yêu cầu công văn 5512, là sự đoàn kết, tương hỗ, hội thảo trao đổi kinh nghiệm của các tổ chuyên môn, là sự nêu cao tinh thần tự học, tích cực nghiên cứu, xây dựng khung kế hoạch bài dạy và mạnh dạn áp dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực của mỗi giáo viên. Để đảm bảo tính khả thi của đổi mới phương pháp dạy học, vai trò kiến tạo của giáo viên thể hiện trong công việc tổ chức, hướng dẫn hoạt động học tập trong môi trường thân thiện và những tình huống có vấn đề nhằm khuyến khích người học tích cực tham gia, khơi gợi và khuyến khích người học tự khẳng định nhu cầu và năng lực của bản thân, đồng thời rèn cho người học thói quen và khả năng tự học, tích cực phát huy tiềm năng và vận dụng hiệu quả những kiến thức, kỹ năng đã được tích luỹ. Để đáp ứng mục tiêu giáo dục mới, thay vì chỉ thiên về “dạy cái” thì chú trọng hơn về “dạy cách”, từ chủ yếu quan tâm giúp học sinh “học cái gì” chuyển sang quan tâm hơn về “học như thế nào”, bản lĩnh và năng lực sáng tạo của giáo viên được khẳng định qua khả năng hướng dẫn tự học, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng cường xây dựng các mô hình học tập gắn với thực tiễn, xây dựng và sử dụng tủ sách lớp học, phát triển văn hóa đọc gắn với hoạt động của các câu lạc bộ khoa học trong nhà trường. Đồng thời, phẩm chất và năng lực của người học cũng được hình thành và phát triển qua các hoạt động giao lưu, kết nối, tương tác với thực tiễn đời sống để khơi dậy hứng thú học tập, rèn luyện kỹ năng sống, nâng cao hiểu biết về các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hóa thế giới… Từ đó, tạo tiền đề để phát triển toàn diện nguồn nhân lực trong bối cảnh phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới một nền giáo dục hiện đại và hội nhập quốc tế.

Minh chứng những nỗ lực trong đổi mới phương pháp giảng dạy là thành tích học tập không thể tuyệt vời hơn của các em học sinh. Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT năm học 2020 – 2021, Đội tuyển của tỉnh Hà Tĩnh do trường phụ trách bồi dưỡng có 89/100 học sinh dự thi đoạt giải (chiếm tỷ lệ 89%), Hà Tĩnh xếp tốp đầu toàn quốc về tỷ lệ học sinh tham gia đoạt giải và là tỉnh đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng học sinh đoạt giải (sau Hà Nội và Hải Phòng).

Hi vọng những thành công từ việc đổi mới phương pháp giảng dạy sẽ được lan tỏa đến các nhà trường và góp phần vào việc đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, tiếp tục khẳng định vững chắc vị thế của đất học Hà Tĩnh ở tầm quốc gia./.

You may also like...