“VÁC BÚT” HỌA THƠ VỚI THẦY GIÁO
Năm 1991, trường THPT Năng khiếu Hà Tĩnh (tên gọi lúc bấy giờ) được thành lập trong bộn bề khó khăn của buổi đầu tái lập tỉnh. Thầy trò dạy và học trong những căn phòng mà một nửa thưng làm chỗ ngủ, một nửa thưng làm phòng học, một phần được xếp làm bàn ăn… Học sinh thuộc 3 khối 8,9,10 từ 8 huyện đổ về thị xã Hà Tĩnh trong sự bồi hồi đến lạ lùng. Lứa chúng tôi dù là khóa 2 nhưng cũng thuộc lớp học sinh đầu tiên của trường.
Hôm đó là một buổi chào cờ. Thầy Nguyễn Tiến Bính đọc bài thơ Trường mới của thầy Tống Trần Lữ như một lời tâm sự. Bài thơ thất ngôn bát cú ngay ngắn tề chỉnh về niêm luật, và hơn thế: nói thật đúng cái “thực trạng”, cũng như niềm lạc quan, tin tưởng…Chúng tôi nghe và thấm lấy từng chữ.
TRƯỜNG MỚI
8 hướng chim lành đến đậu đây
Thành Sen mọng nước một chiều mây
Mưa chan đầy bếp nồi cơm sống
Gió thốc tung màn giáo án bay
Lớp Toán miệt mài bài Lượng khó
Phòng Văn lai láng áng thơ hay
Năm sau trường mới, lên lầu mới
Đem hết bia về uống bõ say
Đó là những ngày tháng chạp âm lịch, trời rét căm căm, cũng là thời điểm lứa học sinh lớp 9 chúng tôi tập trung ôn luyện dự thi học sinh giỏi quốc gia. Xa nhà, xa quê, với rất nhiều sự thiếu thốn. Tết ùa về trong tiếng pháo đì đùng khơi gợi nỗi niềm… Những vần thơ của thầy Lữ đánh thức thật nhiều nhiều cảm xúc. Và gần như ngay trong đêm, tôi đã họa lại theo cách nhìn của một cậu học trò lớp 9.
Bữa nay không khí Tết rồi đây
Thầy giảng hồn bay với gió mây
Trí óc mông lung nồi bánh tét
Tâm hồn mơ tưởng pháo hoa bay
Câu vào, câu tuột đâu còn biết
Chữ được, chữ chăng cũng chẵng hay
Mong đến ngày về cho thỏa nhớ
Hẹn sang xuân mới học càng say
Những thế hệ chuyên Văn (và cả chuyên Toán) Năng khiếu tỉnh thời đó làm thơ thật hay. Giữa một đời sống rạo rực văn chương, tôi cũng có một số bài thơ đăng báo, rồi đạt giải các cuộc thi, nhưng ấn tượng về việc vác bút họa thơ với một người thầy đĩnh đạc như ông đồ nho Tống Trần Lữ thì quả là hết sức đặc biệt. Bài thơ có thể chưa phải là thơ theo những tiêu chí về cảm xúc, cấu tứ, nhưng vẫn được các thầy, các thế hệ học sinh thời kỳ đầu nhớ mãi bởi sự dí dỏm, lém lỉnh của một cậu học trò trường làng lơ ngơ lên tỉnh.
Trần Long
(Cựu học sinh chuyên Văn khóa 2)