Thầy giáo Nguyễn Tiến Bính

“Văn học làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn” (M.L.Kalinine). Đến với văn học, con người có thêm những bài học quý giá về lẽ sống, tri nhận những vẻ đẹp muôn hình, muôn vẻ của cuộc sống. Và với những lứa học trò Năng khiếu Hà Tĩnh ngày ấy, người đã dẫn dắt, khơi lửa hứng thú với văn học chính là thầy giáo Nguyễn Tiến Bính, chủ nhiệm văn K1. Đến với chuyên mục ngày hôm nay, xin gửi đến quý độc giả bài viết của chị Nguyễn Thị Hạnh Loan, Phó trưởng phòng Thời sự – Đài PT-TH Hà Tĩnh, nguyên lớp Văn khóa 1 với tựa đề “Thầy tôi”.

Thầy Nguyễn Tiến Bính

**THẦY TÔI

Tôi bắt đầu viết những dòng này vào đúng cái ngày tôi trực biên tập chương trình Thời sự của Đài PT-TH Hà Tĩnh, ngày 3/9/2011, ngày mà rất nhiều trường học trên địa bàn tỉnh tiến hành khai giảng điểm năm học mới. Ký ức ùa về với hình ảnh của một thời học trò đầy ắp bao kỷ niệm. Tôi như đang sống lại cái thời 16, 17, 18, lứa tuổi xênh xang đòi khôn lớn, nhưng thực chất lại vụng dại, hồn nhiên đến khờ khạo… Lứa tuổi của chúng tôi hồi đó ham học, yêu văn chương, sống hết mình, nhưng cũng vì thế mà có những vấp váp, sai lầm. Nếu như chúng tôi không có thầy tôi…

Năm 1991, tỉnh Hà Tĩnh tái lập, sau 3 tháng học ở trường Phan Đình Phùng, tôi và các bạn của tôi được đầu quân sang trường Năng khiếu Tỉnh để học. Chút buồn và tiếc những người bạn mới quen qua đi, chúng tôi bắt đầu thích nghi dần với những người bạn ở khắp nơi trong tỉnh. Hồi đó, chỉ tiêu xét tuyển phải là học sinh giỏi Tỉnh cho nên tất nhiên, lớp 10 Văn ngày đó cũng hội tụ nhiều gương mặt học sinh giỏi Văn xuất sắc đến từ các vùng miền trong Tỉnh. Thu Hải, Huỳnh Hoa, Trường Sinh đến từ Hương Khê, Trà Giang, Lệ Thúy, Việt Hà, Võ Hà đến từ Thạch Hà, Tuyết Mai từ Đức Thọ, Chỉnh Huấn, Huy Hùng từ Cẩm Xuyên…Mỹ Nhân, Lệ Thu từ Thị xã Hồng Lĩnh, Bé Thương, Nhật Tân từ Hương Sơn xuống, An Hà, Thanh Hà từ Nghi Xuân vào, rồi kế đó, Thu Hà từ trường Huỳnh Thúc Kháng, Thành phố Vinh chuyển về…

Thời kỳ tái lập Tỉnh với bao khó khăn, vất vả. Dường như dấu ấn của thời kỳ đó, chúng tôi cảm nhận được trong chính cuộc sống của các thầy giáo và học sinh nội trú. Khu nhà cấp 4 phía sau trường Phan Đình Phùng hồi đó, và một dãy nhà cấp 4 của trường Phan Đình Phùng được trưng dụng cho việc học của chúng tôi. Một phòng học được ngăn 2 phần, 1/3 diện tích của phòng dành cho các học sinh nội trú ăn ở, sinh hoạt. Còn một dãy nhà cấp 4 phía sau nữa dành cho các thầy cô ở. Cuộc sống tạm bợ, cơm niêu, nước lọ để tập trung cho việc học vất vả là thế nhưng lúc nào cũng đầy tiếng cười vui.

Chúng tôi gọi thầy bằng một cách gọi rất thân thương là bố Bính và xưng con với Thầy. Thầy giáo Nguyễn Tiến Bính, chủ nhiệm 10 Văn ngày đó tiếp quản một lớp Văn có đến hơn 20 học sinh từ khắp địa bàn trong tỉnh, trong lớp chỉ có 4 bạn trai. Tôi là dân Thị xã, không ở nội trú, ngoài tôi còn có Hồ Loan, Thanh Mai.

Thầy của tôi có đặc điểm nói chậm rãi, điềm đạm, nhưng mỗi bài dạy của Thầy, chúng tôi hiểu là sự rút ruột. Như con tằm cần mẫn nhả tơ, đêm về, thầy lặng lẽ soạn giáo án, mà mỗi chủ đề là sự tập hợp tinh túy những quan điểm, những ý kiến về văn học, khiến cho chúng tôi hiểu rằng, để có được những kiến thức chắt lọc đó, mái tóc của thầy tôi đã phải bạc đi rất nhiều.Tôi yêu cách dạy văn của Thầy, đó là trên nền tảng kiến thức văn học mà thầy cung cấp, để khơi dậy, khơi dậy sự sáng tạo, suy nghĩ độc lập của từng học sinh… Nghệ thuật “ biến kiến thức của người khác thành cái của mình” một cách khéo léo đó chính là một cách để học văn giỏi.

Thế nhưng, cũng không đơn giản là thế. Bạn biết không? Lứa tuổi mới lớn của chúng tôi ẩn chứa bao điều phức tạp trong suy nghĩ. Những rung động đầu đời, trước một ánh mắt của người bạn trai, trước sự cảm mến một người bạn học giỏi, trước những biến đổi của thiên nhiên…Tất cả cho chúng tôi thấy rằng, thời kỳ PTTH có lẽ cũng là thời gian quan trọng hình thành nhân cách của con người, định hướng cho tương lai, nghề nghiệp và cả định hình tính cách, tâm hồn, ước mơ, hoài bão…

Hình như thầy tôi biết tất cả những điều đó. Và có lẽ, dường như mỗi đứa 12 Văn chúng tôi ngày nào đều ít hay nhiều có những kỷ niệm khó quên với thầy Bính. Cách nói hài hước, sâu sắc của thầy về tính cách của từng đứa, thói quen cảm nhận văn chương, kể cả dự đoán tương lai mỗi đứa… đều làm chúng tôi được nhiều phen cười thoải mái. Thầy quan tâm suy nghĩ của từng đứa, quan tâm cuộc sống vật chất và tinh thần của dân nội trú, cũng như ngoại trú. Bé Thương kể rằng:’’Hồi đó học sinh nội trú chúng tôi còn bé dại lắm , thương thầy mà làm tội thầy nhiều.Ngoài những lúc dạy học ,chấm bài ,sửa lỗi trực tiếp cho mỗi đứa, thầy còn dành thời gian nấu nước cho chúng tôi uống.Thầy phải nấu bằng bếp củi, bếp dầu.Hết mùa nắng này sang mùa nắng khác.Những đêm mùa hè bận ôn thi , thầy mang nước lên tận phòng . Cuối tháng , học trò về quê thầy còn cho tiền xe.Thầy bảo:các con cầm đi, thầy mới nhận lương…Thế rồi nếu có nhớ mang quà quê lên cho thầy thì cũng chỉ là bó chè xanh ,trái mít…”

Lòng bao dung của thầy Bính và tình thương đặc biệt mà Thầy dành cho lớp Văn 1 chúng tôi khiến mỗi chúng tôi đều ngập tràn những cảm xúc kính trọng và thấy lòng mình ấm áp khi nghĩ về Thầy. Trong lớp, có vẻ tôi có phần “ ngỗ nghịch” và cá tính nên được thầy quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, thầy không bao giờ trách con ngựa bất kham là tôi mà chỉ trêu rằng : Có lẽ cho Hạnh Loan một cái bàn cá biệt trong lớp… Không chỉ tôi mà rất nhiều người bạn đều vui đến khoái chí với những đánh giá của thầy về năng lực học Văn và cả tính cách mỗi đứa. Thầy không bao giờ thờ ơ với cuộc sống , tình cảm và cả những biến dộng sâu kín trong tâm hồn mỗi đứa học trò lớp Văn đa cảm. Tôi nhớ, khi tôi từng có những tổn thương về tình cảm, Thầy đã không nói gì. Rồi thầy lặng lẽ đưa cho tôi mấy dòng chữ: Con hãy cố lên nhé, hãy đứng và bước đi trên đôi chân của mình. Tôi đã bật khóc vì những dòng chữ ấy.

Thầy là người đánh giá được năng lực của từng đứa học trò. Nhưng có 1 lần, tôi đã làm thầy và bạn bè thất vọng. Năm lớp 11 thi học sinh giỏi Văn toàn quốc lớp 12, khi tôi là người được hy vọng sẽ mang lại giải thưởng quốc gia thì buồn thay, năm đó tôi lại trượt. Không ai dám nói thẳng với tôi cú sốc đó, trừ Thanh Mai , bạn thân tôi và Thầy. Tôi còn nhớ hôm đó, cả lớp làm bài kiểm tra văn. Thầy cho tôi nghỉ. Tôi vào khu nội trú khóc như mưa, như gió.

May sao, năm lớp 12, nhờ sự động viên của thầy mà từ thất bại là mẹ đẻ thành công. Tôi đã có giải văn toàn quốc. Tôi biết ơn thầy đã khiến tôi quyết tâm không lùi bước. Và tôi cũng đã làm được cái điều mà thầy hằng mong…

Thời gian trôi đi. Đã 20 năm qua, thầy tôi cũng nghỉ hưu đã lâu. Còn bạn bè tôi cũng mỗi đứa một phương. Tôi cũng đã có gia đình và 2 đứa con trai. Nhưng Thầy vẫn dõi theo cuộc sống tinh thần, tình cảm cũng như công việc, sự nghiệp của mỗi đứa, cho dù Thầy đã già yếu vì bệnh tật. Lại có những lời khuyên cho cuộc sống của mỗi đứa học trò mà thầy đã rất tường tận trong tính cách.

Ai đó nói rằng, nghề giáo như người lái đò chở khách qua sông. Khách qua sông nhiều khi không nhớ người lái đò mà tất bật ra đi trên con đường đợi sẵn. Bao thế hệ học trò đã đi qua, nhưng Thầy tôi vẫn nhớ như in từng đứa học trò khóa 1 ngày đó. Những lời thầy truyền đạt cho chúng tôi không chỉ là kiến thức văn học.Đó là vốn sống, sự từng trải, ý chí, nghị lực để vươn lên trong cuộc sống. Đó còn là sự bao dung, lòng nhân hậu, tính nhân văn của con người và trong mọi điều kiện, không bao giờ đánh mất chính mình. Văn là Người. Tôi càng thấy điều đó thật sâu sắc khi nghĩ về thầy tôi, thầy giáo Nguyễn Tiến Bính, Chủ nhiệm Văn khóa 1.

You may also like...