Nữ sinh tốt nghiệp thủ khoa với 44 môn học đạt điểm A và A+
Với điểm tổng kết 3,91/4, Lê Thị Nguyệt, 22 tuổi trở thành thủ khoa đầu ra của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Nguyệt hoàn thành chương trình cử nhân trong 3,5 năm (hoàn thành vào tháng 12/2020, trước thời hạn tháng 6/2021 là 1 kỳ).
Ngoài thành tích học tập xuất sắc 3.91/4, tham gia nhiều hoạt động đoàn hội và nghiên cứu khoa học, nữ thủ khoa đầu ra ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nhận được lời mời ở lại trường công tác. Muốn đóng góp cho quê hương, Nguyệt quyết định làm việc ở Hà Tĩnh. Lê Thị Nguyệt, 22 tuổi, thủ khoa ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Hai lần đạt danh hiệu thủ khoa
Bốn năm trước, Nguyệt đăng ký vào ngành Công tác xã hội, khoa Xã hội học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn với mong muốn được trải nghiệm, học hỏi và góp sức mình cho cộng đồng. Cô gái là bí thư chi đoàn Văn K24 trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, đạt 28,5 điểm ở tổ hợp khối C00, trở thành thủ khoa đầu vào của ngành.
Ngay từ những ngày đầu đại học, Nguyệt chăm chỉ và chú tâm học tập. Nữ sinh học hỏi kinh nghiệm từ các anh, chị khóa trên ở phần kiến thức chuyên ngành.
Ở phần kiến thức chung, đa số các môn có hình thức thi tự luận, Nguyệt rút ra kinh nghiệm cần đạt điểm cao là đúng và đủ. Đặc biệt ở những môn có lượng kiến thức lớn như Lịch sử văn minh thế giới, Logic học đại cương, Triết học Mác – Lênin, người học cần có sự nghiên cứu, đầu tư kỹ lưỡng. Để việc học đỡ vất vả và đạt hiệu quả cao, trên lớp Nguyệt nghe giảng, ghi chép lại những ý chính ngắn gọn, dễ nhớ nhất có thể.
Về nhà Nguyệt đọc lại giáo trình rồi đối chiếu xem bài mình ghi trên lớp có thiếu ý gì hay sai chỗ nào không và sửa lại ngay. Nguyệt sử dụng phương pháp học “quả cà chua” Pomodoro.
Đối với những môn nhiều nội dung, phân khúc, Nguyệt sẽ tổng hợp tài liệu và làm đề cương cho mỗi phần. Sau đó cô tiến hành chia nhỏ các nội dung và học theo hình thức cuốn chiếu.
Theo như phương pháp Pomodoro, mỗi nội dung Nguyệt sẽ tập trung học trong vòng 30 phút, sau đó nghỉ ngơi (nghe nhạc hoặc tập yoga) trong khoảng 10 phút, rồi lại học tiếp các phần khác.
Phương pháp này giúp Nguyệt tận dụng được thời gian tối đa, giúp nữ sinh tiếp cận với nhiều kiến thức trong một khoảng thời gian, không bị mệt mỏi hay căng thẳng. “Khi chúng ta chia nhỏ nội dung để học sẽ hình thành thêm tư duy logic và tính vận dụng cao hơn”, nữ thủ khoa chia sẻ.
Lúc làm bài thi, Nguyệt cố gắng viết rõ bằng cách thường xuyên xuống dòng, trình bày mạch lạc, cùng nhiều ví dụ thực tiễn để chứng minh, làm bài cho có chiều sâu.
Đạt điểm 10 khóa luận tốt nghiệp
Ngoài thành tích học tập xuất sắc, Nguyệt còn đạt nhiều giải cao trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Nữ thủ khoa có hai bài nghiên cứu ở cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, nữ sinh giành một giải ba với đề tài: “Ứng dụng công tác xã hội cá nhân nhằm trang bị kỹ năng tự phục vụ bản thân cho trẻ tự kỷ”.
Nữ sinh cũng đạt giải ba giải thưởng “Sinh viên Nghiên cứu Khoa học – Euréka” năm 2019 cấp Thành phố do Ban Chấp hành Đoàn TNCS thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Nguyệt đảm nhiệm các vị trí Bí thư chi Đoàn, lớp phó Học Tập lớp K62 Công tác Xã hội, Ủy viên Ban chấp hành Liên chi đoàn khoa Xã hội học, thành viên của Ban Hỗ trợ học tập và Nghiên cứu khoa học WEPASS (thuộc Đoàn Thanh niên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn); tình nguyện viên Đội Máu Nhân văn, Hội thanh niên vận động hiến máu thành phố Hà Nội.
Nhờ nỗ lực trong học tập và các hoạt động đoàn hội, Nguyệt đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt cấp Trung ương” năm 2020, “Sinh viên 5 tốt tiêu biểu” cấp ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2020, 2021.Lê Thị Nguyệt nhận giải thưởng sinh viên 5 tốt cấp trung ương năm học 2019-2021.
Để giữ vững thành tích học tập, nghiên cứu và tham gia các hoạt động đoàn hội, Nguyệt bày tỏ có những lúc cô cảm thấy áp lực và căng thẳng. Nữ thủ khoa cố gắng sắp xếp tham gia các hoạt động ngoại khóa vào cuối tuần để có thời gian cho học tập và nghiên cứu. Cô bạn chia sẻ có những lúc nhiều việc mình phải thức đêm nhưng cũng dần quen với điều này.
Tháng 12/2020 cô đạt điểm 10 khóa luận tốt nghiệp: “Ứng dụng tham vấn tâm lý cá nhân trong công tác xã hội hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục”. Với đề tài này, Nguyệt mất hơn 6 tháng để nghiên cứu thực tiễn và thực tế. Nguyệt hoàn thành chương trình đào tạo trong 3,5 năm (trước thời hạn 1 kỳ).
Là giáo viên chủ nhiệm, tiến sĩ Mai Tuyết Hạnh, khoa Xã hội học nhận xét Nguyệt là sinh viên có thành tích học tập rất tốt, có thể nói là cao nhất trong các khóa cô từng dẫn dắt. Ngoài ra, Nguyệt còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn hội và nghiên cứu khoa học.
Dõi theo các hoạt động của học trò ở Ban Tổ chức – Kiểm tra Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, nữ giảng viên nhận thấy Nguyệt đã vận dụng kiến thức chuyên môn, phát huy những thế mạnh của ngành Công tác xã hội vào công việc.