Thầy giáo Trương Biên Thùy

Thầy giáo Trương Biên Thùy là một trong số những người gắn bó với trường THPT Năng khiếu Hà Tĩnh từ ngày đầu khó khăn, gian khổ. Những đóng góp trong sự nghiệp trồng người và tình cảm tuy giản dị nhưng sâu sắc mà thầy dành cho mái trường, cho biết bao thế hệ học sinh, tất cả đã tạo đòn bẩy vững chắc cho những thành công to lớn trong suốt 30 năm kể từ khi thành lập trường. Nhân ngày giỗ thầy, chúng em xin được gửi lời tri ân, tưởng nhớ tới người thầy kính yêu và đáng quý qua bài viết “Cảo thơm giở lại trước đèn”, được chấp bút bởi anh Phan Đăng Trường, cựu học sinh chuyên Văn khóa 2.

“Thầy đi xa! Hình bóng mãi thật gần?
Khách sang sông...nhớ con đò bến cũ
Nay khôn lớn lòng con luôn tự nhủ?
Nhớ ơn Thầy... công lao mãi khắc ghi."

CẢO THƠM GIỞ LẠI TRƯỚC ĐÈN

Một đêm đèn khuya bóng nhỏ tôi lật lại trang sách “Bài thơ chưa bình yên” – tập di cảo của nhà giáo quá cố Trường Biên Thùy. Đã sáu năm trời trôi qua, các thế hệ học trò, thầy có giáo ở Hà Tĩnh và đó đây trên mọi miền đất nước vân và mãi nhắc đến thấy với tình cảm cao quý, thiêng liêng “những trái tim như ngọc sáng ngời”. Là một học trò cũ đã cùng thấy một thời đèn sách, tôi viết bài này với thành tâm như thắp thêm nén nhang cho người đã khuất.

1. Một người thầy: Xin nhẫn nại làm mầm cây chuyển nhựa.

Mùa thu năm ấy, chúng tôi gặp thầy bắt đầu từ bài giảng đầu tiên trong căn phòng nhỏ lợp giấy dầu vốn là nhà bếp của trường Phan Đình Phùng được quét vôi lại. Buổi chào cờ đầu tiên, chúng tôi tập trung trên mảnh đất là nền nhà cũ lâu ngày có phủ rêu xanh. Vài cái ghế gỗ, một cái bàn trải vải hoa, thầy hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ái nói trong mưa: “Buổi đầu chào cờ, mới thành lập trường, chúng ta chỉ có vậy, thầy trò đều chịu ướt nhưng thầy nghĩ cái nghèo, cái khó không bó được cái khôn”…

Buổi ban đầu, trường chúng tôi chỉ có 4 lớp khối 9 và 10, đó là những học sinh từng ôn thi vào trường Phan Bội Châu mùa hè năm 1991, khi tách tỉnh thì chuyển vào Thị xã. Thầy Thùy dạy văn và chủ nhiệm lớp tôi. Tuổi mười lăm xa nhà đến chốn đất lạ, chúng tôi thực sự bỡ ngỡ. Đêm nằm nghe mưa nhớ nhà, nhớ trường xưa lớp cũ, chung quanh bè bạn còn xa lạ, lắm lúc muốn khóc. Nhưng nước mắt chưa kịp rơi, tôi cảm nhận được ý nghĩa chân thực, sâu sắc từ lời thầy “lâu rồi sẽ quen, ở đây có bạn, có thầy, các em đừng nghĩ cái buồn bất chợt trước mắt, người tri thức phải biết vượt qua mà nghĩ về sau”.

Lớp học 9 văn bố trí trong phòng hẹp, giấy dầu qua thời gian đã mục, mưa thấm ướt cả bàn học. Một lần, trong giờ làm văn, tôi giật mình bởi mẩu khăn thầy đặt lên cuốn vở, phút bỡ ngỡ rồi tôi mới biết, vì mải làm bài, mưa thấm mái dầu ướt trang vở lúc nào không hay. Thầy ở bên dãy nội trú cách phòng học chúng tôi một khoảng sân. Dịp mưa lũ nền nhà thấp, mái nhà dột, nước tràn cả vào trong. Hôm lên lớp giọng thầy khàn đi vì cảm lạnh. Thầy vẫn tươi cười nói rằng, đêm qua mưa gió, cơm canh chẳng sợ, đằng này lại ướt cả giáo án…

Cái nghèo là vậy, nhưng kỷ niệm về sự nhiệt tâm dạy học của thầy như lật từng trang sách thời gian. Một thời dạy học ở trường huyện Kỳ Anh, khi chia tay ra thị xã, một học trò kể: “Ngày tiễn thầy, mọi người đến đông đủ. Buổi tối hôm đó, thầy căn dặn chúng tôi đủ điều, rồi thầy khóc, chúng tôi cũng khóc. Chia tay thầy ai cũng nhớ đến hình ảnh một người thầy giản dị mà sâu sắc, có nghĩa có tình…”. Với thầy luôn tâm niệm học văn chính là học cái tâm, cái đức, học lẽ sống làm người. Điều này đã trở thành tâm cảm sâu nặng với mỗi chúng tôi bởi có lẽ cái chính không chỉ ở lời thầy dạy mà từ cuộc sống thực tế của thầy, từ những gì thầy dành cho các thế hệ học trò.

Thầy đổ bệnh phải ra viện Hà Nội một thời gian dài. Sau ngày trở lại căn phòng nội trú, thầy đinh ninh mình đã khỏi bệnh nhưng thực tế đã rất yếu. Vậy là đã gần hai tháng xa thầy. Một buổi chiều gió mùa đông bắc, chúng tôi đang học văn, như trong cổ tích, bất ngờ thầy bước vào cửa lớp, cẩn thận để cây gậy ở góc lớp rồi ôm chầm lấy thầy Lưu lúc đó đang dạy chúng tôi: “Ôi, nhớ lớp quá, Lưu để mình dạy các em một lát.” Thầy chậm rãi bước xuống cuối lớp, hai mi mắt đã thâm quầng ở những ngày đau yếu mất ngủ, giọng khàn đi, vậy mà ấm áp và có sức truyền cảm lạ lùng. Ngoài trời mưa bụi bay, gió thổi lạnh tê tái, đó đây có chiếc lá lìa cành. Chợt thấy dùng lại: “Trong cuộc đời thầy cứ có niềm vui ắt có nỗi buồn, lúc hạnh phúc nhất cũng thường là lúc bất hạnh cùng cực”.

Hai mươi lăm ánh mắt tuổi mười sáu trong veo. Những dự cảm hơn cả cái tê tái gió mùa rít qua song cửa sổ ẩm mục, tôi nín lặng không dám nghĩ những điều vượt quá sự hồn nhiên.

Thầy không thể biết đang ôm trong mình căn bệnh hiểm nghèo vượt ngoài tầm kiểm soát của y học. Học trò chỉ suy rằng y học đoán sai và sự lạc quan của thầy sẽ chiến thắng tất cả.

Và tôi có ngờ đâu, đó là buổi học cuối cùng với thầy để mãi về sau còn nghẹn ngào tiếc nuối; thầy có ngờ đâu đó là buổi dạy cuối cùng mà không kịp nói lời tạ từ bụi phấn. Nghiệt ngã đến vậy, tôi nhớ đến lời thầy viết năm xưa:“Nơi được thay thầy nắm bàn tay em nhỏ Nhiều lần gắng vượt lên lau giọt nước mắt thầm…Xin nhẫn nại làm mầm cây chuyển nhựaGóp chút ban mai và thắp lửa cho đời”.

2. Một tâm hồn – Trong mơ vẫn thấy nước sông Quyền

Con sông Quyền chạy qua đất nghèo Kỳ Anh miền quê lam lũ, khắc nghiệt nhưng nó luôn khắc khoải trong tâm hồn thi sĩ Trương Biên Thùy. Một thời từng đi đây đó nhưng rồi những tháng năm xuôi ngược cho sự cảm nhận “Có đi khỏi đất quê mới thấy mình không còn là mình nữa”. Đó chính là cái tâm một người con đất mẹ. Quê hương đất mẹ với dòng sông Quyền, bến đò Dụ Lộc nằm lặng lẽ dưới dãy Hoành Sơn từ bao đời đã trở thành tình cảm thiết thân:

“Như con cò kiếm ăn

Bay về trong cánh mẹ

Đêm quê dù quạnh quẽ

Vẫn ẩm màu sáng riêng.”

Tình cảm sâu nặng với quê hương luôn ấp ủ trong tâm hồn thầy những tháng năm bôn ba xuôi ngược. Trong nỗi niềm đó, hình ảnh người Mẹ già luôn day dứt canh cánh trong trở trăn suy nghĩ. Có lẽ vì thế mà đề tài người Mẹ, thầy luôn tâm đắc và giảng văn về người Mẹ trong tác phẩm với tình cảm như chính của Mẹ của mình. Một lần, trong se lạnh mùa đông, đang nói về hình ảnh người mẹ trong bài “Bên kia sông Đuống” (Hoàng Cầm), thầy chợt dừng lại, im lặng một lúc lâu… Rồi thầy chậm rãi: “Đêm qua không ngủ được, nằm nghe mưa nhớ Mẹ lắm, thầy có bài thơ thế này:

“Xin gửi Kỳ Anh nỗi nhớ riêng

Run run Mẹ bước xuống bậc thềm

Biết ta không về, Người vẫn đợi

Sắp lập thu rồi, đêm rộng thêm”.

Tình cảm với quê hương còn gắn bó sâu nặng với các thế học trò nơi đây. Mái trường THPT Kỳ Anh đã để lại trong ký ức thầy những kỷ niệm không phai mờ, nơi những thế hệ học trò một thời đèn sách băng qua bom đạn. Vì thế, trong nhiều bài thơ thầy viết, kể cả lúc cuối đời, hình ảnh các em học sinh đất mẹ luôn thơ mộng, chất phác và thật đáng yêu…

3. Và bài thơ chưa bình yên không biết đến bao giờ

Trong cuộc đời, thầy thường dự cảm những cái “chưa bình yên”. Đó là cái chưa bình yên thế sự, về những đối nghịch giữa khát vọng và hiện thực:

“Thế mới biết cuộc đời nhiều nghiệt ngã

Chưa vượt được đèo Ngang, tóc đã bạc bao giờ”

Đó là cái chưa bình yên về một thời trai trẻ, một thời yêu nhau mấy núi cũng trèo. Chuyện kể, lúc nằm ở viện để nghĩ “lúc huyệt đã khỏa lấp”, thầy tâm sự với người bạn đồng trường Võ Minh Châu, sau này được chép lại trong tập Bài thơ chưa bình yên rằng: “Hồi ấy ở Thạch Thành, có hôm về quê anh đi cùng Cẩm. Anh chen lấn mua được 2 cái vé tàu cho anh và cho em, những tưởng cùng về một chặng đường, không ngờ em… từ chối. Thế là anh trở thành kẻ thừa ra trong chuyến tàu. Cái vé tội nghiệp ấy, nỗi buồn trần thế ấy, anh còn giữ mãi và mang theo tận bây giờ”…

Cái chưa bình yên theo đuổi đằng đẵng suốt cuộc đời để rồi đến lúc dự cảm vuốt mái tóc vài sợi rụng bất ngờ trở thành bi thảm bởi căn bệnh ung thư thì cái chưa bình yên nhất vẫn là thế hệ học trò. Biết mình không chống nổi số phận, trước lúc nhắm mắt, trong hơi thở mong manh, thầy viết nét chữ cuối cùng không phải di chúc mà là lá thư tâm tình gửi trường cũ Kỳ anh và “bài thơ chưa bình yên” để mãi về sau hồn thơ còn nghẹn ngào day dứt:

“…Mộ bạn đã xanh màu thiên cổ

Bìa sổ hưu thầy giáo bạc hết màu

Mảnh bom đạn găm vào nỗi nhớ

Cỏ lên xanh che kín lối chiến bào

Giờ đứa được gọi bà, đứa được lên ông

Người cày cấy, kẻ thầy, tay thợ

Đều canh cánh biết mình còn mắc nợ

Bài thơ chưa bình yên không biết đến bao giờ”.

Thầy ơi, dẫu biết lá vàng thì lá rụng về cội, quy luật ấy muôn đời nay chưa ai cưỡng lại được, vậy mà sao khi màu xanh còn thắm sắc vẫn phải nghiệt ngã lìa cành hở thầy? Thầy nằm lại đó mảnh đất thiêng liêng dưới chân dãy Hoành Sơn, có nghe mùa thu thứ sáu xác xao lá rụng? Lớp học 10 văn năm xưa đã xa rồi, giờ chúng tôi như cánh chim bay về những phương trời nhưng liệu trên quãng đời phía trước, chúng con có đi hết lời thầy dạy để nơi chín suối thầy được bình yên?

Học viện An ninh nhân dân

Hà Nội, ngày 20 tháng 8 năm 1999

(Bài đoạt giải cuộc thi “Một thời đèn sách” Báo Sinh viên Việt Nam & Hoa học trò tổ chức năm 1999 – 2000)

______________________

Ban biên tập CLB News Team – 8/2021.

You may also like...