CỰU HỌC SINH TIÊU BIỂU: TÔ THÚY NGA – VĂN K7
TIẾN SĨ TÔ THÚY NGA – CHUYÊN VĂN KHÓA 7
.
“Gắn bó với ngành nông nghiệp và nông thôn, mình cảm nhận được những nỗ lực của bản thân có ích cho các địa phương, cho cộng đồng và cho người dân nông thôn… Mình luôn mong muốn góp phần nhỏ bé của mình cho xây dựng nông thôn mới, giúp cải thiện đời sống người nông dân, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và đô thị.”
Với những khát vọng đẹp đẽ, với tấm lòng nhân hậu, nồng nhiệt, luôn muốn góp sức mình cho cộng đồng, cho quê hương đã khiến một cô gái chuyên Văn ngày nào quyết định chọn cho mình một hướng đi mới để chuyển sang công tác trong lĩnh vực về môi trường, và hiện nay là nông thôn. Chị đã từng đạt được kết quả học tập xuất sắc ở bậc đại học và sau đại học, cùng một lúc học tập tại nhiều trường và đều đạt kết quả tốt, lại từng nhận được học bổng học tập ở nước ngoài của SIDA, UNEP-UNESCO, JICA, UN-Habitat… Trong quá trình học tập và công tác, dù ở lĩnh vực nào, chị cũng đã khiến nhiều người phải thán phục và ngưỡng mộ nỗ lực, bản lĩnh của một cô gái chuyên Văn CHT. Thật thú vị là chồng chị, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dũng, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng là cựu học sinh chuyên Toán Khóa 4 của CHT.
Chúng tôi đã có được một cuộc trò chuyện với nhân vật đặc biệt này!
Chào chị! Cơ duyên nào đã dẫn một học sinh chuyên Văn đến với ngành nông nghiệp như vậy?
Con đường đến với ngành nông nghiệp nông thôn của mình quả thực rất khó hiểu với nhiều người vì mình học chuyên văn từ năm lớp 4 đến hết lớp 12, đáng nhẽ ra thông thường sẽ tiếp tục theo đuổi là những ngành mang tính văn chương bay bổng nhiều hơn là ngành nông nghiệp hiện nay. Ngẫm lại quá trình học tập, nỗ lực làm việc không ngừng, thấy mình có rất nhiều ngã rẽ, mà ngã nào cũng có logic của nó. Có lẽ nói đúng hơn là “nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề”, ngành nông nghiệp đã chọn mình!
Chị có thể chia sẻ thêm những về hành trình đến với lĩnh vực này không?
Có lẽ ngã rẽ đầu tiên là chuyển từ Văn sang Địa lý. Vì đạt học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý, mình lựa chọn học Khoa Địa lý của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với mong muốn giản dị là trở thành người thầy giáo Địa lý. Khi đang theo học tiếp chương trình thạc sỹ, mình được tuyển dụng vừa học vừa làm việc cho ICRAF Việt Nam (Tổ chức Nông lâm kết hợp thế giới tại Việt Nam). Công việc đầu tiên, lại trong môi trường quốc tế, đã rèn luyện cho mình rất nhiều cả về kiến thức lẫn tác phong làm việc. Nhờ các kinh nghiệm tích lũy được khi làm việc cho ICRAF Việt Nam, mình trúng tuyển vào làm việc tại Cục Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Tổng cục Môi trường). Mình cũng đã tham gia xây dựng và triển khai nhiều chính sách, trong đó có các chính sách về bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới, là cơ duyên dẫn mình đến với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây là một Chương trình mang tính liên ngành, phạm vi và tầm ảnh hưởng lớn, vì thế bên cạnh những kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường, mình đã phát huy được những kiến thức về địa lý, về phát triển bền vững, về khoa học và công nghệ, về hợp tác quốc tế.
Trong quá trình công tác, mình có được may mắn khi tham gia nhiều chuyến khảo sát, làm việc, thẩm định nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có các huyện của Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới như Nghi Xuân, Đức Thọ, Can Lộc, Vũ Quang… Mình luôn mong muốn góp phần nhỏ bé của mình cho xây dựng nông thôn mới, giúp cải thiện đời sống người nông dân, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và đô thị.
Thật ấn tượng! Là một người phụ nữ, học chuyên Văn nhưng lại làm việc trong lĩnh vực mang tính tự nhiên. Điều này có khó khăn, vất vả như mọi người nghĩ không?
Công việc nào cũng có những thuận lợi và khó khăn của nó, đặc biệt là với một học sinh chuyên văn chuyển sang học và làm ngành mang tính tự nhiên như mình. Trong quá trình học tập và làm việc, khó khăn thì nhiều lắm, nhưng mình đã phải nỗ lực cố gắng không ngừng để vượt qua. Hiện tại, công việc của mình cũng khá bận rộn, nhiều vấn đề mới và nhiều áp lực nên đòi hỏi phải có cách sắp xếp, tổ chức công việc khoa học, hợp lý cũng như luôn phải tìm tòi, học hỏi nhiều lĩnh vực liên quan.
Khó khăn, vất vả nhưng chắc hẳn sẽ có những trải nghiệm nghề nghiệp nào đáng nhớ chứ ạ?
Tất nhiên rồi! Trải nghiệm nghề nghiệp lớn nhất của mình là được đi đến nhiều nơi trên mọi miền tổ quốc; tính ra thì mình đã đặt chân đến tất cả các tỉnh, thành phố và hơn một nửa số huyện trong cả nước. Mình được tiếp xúc, làm việc trực tiếp với người nông dân và hơn nữa còn được đi đến nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Điều này, một mặt là yêu cầu công việc, nhưng mặt khác, là cơ hội để hiểu hơn về cuộc sống, cách vươn lên trong cuộc sống của người nông dân. Đồng thời, mình được trải nghiệm, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên đa dạng và văn hóa đặc sắc của nhiều vùng miền. Từ đó, tạo cho mình cách nhìn nhận vấn đề đa chiều, có cách nhìn nhân văn, thực tế hơn với cuộc sống, mình cũng có thêm động lực và nguồn cảm hứng tiếp tục vươn lên.
Từng được học tập và rèn luyện dưới mái Trường Chuyên Hà Tĩnh, chị có thể đưa ra vài chia sẻ về môi trường giáo dục ở đây?
Mình luôn tự hào và cảm thấy may mắn là cựu học sinh Trường CHT, đây chính là tuổi thanh xuân của mình, mọi thứ đều đơn sơ, mộc mạc nhưng đầy tình người. Thời đó, mọi thứ không được thuận lợi như bây giờ, internet và điện thoại di động hầu như chưa có, nên việc tìm tòi, học hỏi từ các thầy cô, các bạn, từ thư viện và các hoạt động ngoại khóa do nhà trường tổ chức là rất quan trọng. Ngoài trọng tâm về học tập, không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, trường cũng rất quan tâm đến các hoạt động để phát triển toàn diện cho học sinh. Mỗi lần nghĩ lại, lại thấy xúc động bởi sự quan tâm của các thầy cô đối với các bạn xa nhà phải ở ký túc xá, là những lần đi cổ vũ cuộc thi bảy sắc cầu vồng, những giải bóng đá (mà liên quân Văn – Anh mặc dù cầu thủ hơi ít nhưng cổ động viên bao giờ cũng nhiều), văn nghệ năm nào khóa cũng có giải vì rất nhiều giọng ca vàng… Trong thời gian học tập ở trường, được tham gia BCH Đoàn trường cũng là trải nghiệm đáng nhớ, với nhiều anh chị, các bạn, các em đều rất năng động, sáng tạo, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau không chỉ trong học tập, hoạt động Đoàn mà cả trong cuộc sống.
Khác với những thế hệ học sinh sau này, thế hệ của chị may mắn có bốn năm thanh xuân gắn bó với CHT, chắc rằng sẽ có những kỉ niệm đáng nhớ, chị có thể chia sẻ thêm không?
Mình có đến 4 năm học ở Trường CHT (Khóa 7 là khóa cuối cùng có lớp 9), lại được học thế hệ giáo viên đầu tiên của Trường CHT, có lẽ vì thế mà kỷ niệm cũng nhiều hơn một chút. Sẽ không bao giờ quên được thầy Bính đôn hậu cả trong những giờ giảng và những lời khuyên chân tình trong cuộc sống, thầy Ái rất nghiêm khắc mà cũng thật gần gũi, những câu chuyện văn học của thầy Lữ, những giờ học lịch sử của cô Hương, cô Bình đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trong lớp đã trở thành những giáo viên giỏi môn Lịch sử, những giờ học Địa lý của thầy Hậu rất nghiêm khắc mà thấm thía, những giờ văn thấm đẫm cảm xúc của cô Liên, những giờ dạy tiếng Anh của thầy Luận và cô Loan, giờ dạy toán của thầy Việt Phú, dạy sinh của thầy Phú, thầy Tần… Khóa 7 rất nhiều bạn học giỏi và cá tính, vậy nên những trò “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” cũng rất nhiều. Không thể nào quên những lần cả lớp Văn trốn mặc váy đồng phục và bị phê bình, những câu chuyện tưởng tượng của các bạn huyện xa làm các bạn ở thị xã tin sái cổ, những lần học thể dục bị ngất xỉu làm thầy cô và các bạn bao phen hú vía, những trò nghịch dại của các bạn Toán – Lý… Khóa 7 có lẽ là lứa học sinh gắn bó và nhiều kỷ niệm nhất với các thầy cô trẻ hồi đó mới vào trường như cô Hương hóa, thầy Dũng, thầy Nam…vừa là thầy cô, lại vừa thân thương như những người anh người chị.
Chị có thể chia sẻ và định hướng cho các bạn đang là học sinh CHT đang có ý định đi theo lĩnh vực của chị?
Mình nghĩ các em học sinh ở Trường CHT đều cần cù, học giỏi, năng động nên có nhiều lựa chọn về nghề nghiệp trong tương lai, quan trọng nhất là các bạn phải xác định mình thực sự yêu thích và phù hợp với ngành nghề nào. Từ kinh nghiệm của bản thân, mình nghĩ ở vị trí công tác nào cũng phải luôn phải nỗ lực phấn đấu không ngừng; tích lũy dần dần về kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ chứ không chờ đến lúc cần mới học; luôn sẵn sàng cho những thay đổi với sự chuẩn bị kỹ càng, khoa học. Đặc biệt, cần tìm cho mình động lực to lớn, sự quyết tâm, ý nghĩa của công việc mình làm và niềm yêu thích, say mê trong công việc ấy. Đó chính là động lực để vượt qua những trở ngại, khó khăn tất yếu sẽ có lúc gặp phải.
Môi trường, nông nghiệp, nông thôn là những ngành đang rất cần cho đất nước ta trong giai đoạn hiện nay. Nhiều bạn có suy nghĩ đây là những ngành nhàm chán, không năng động, nhưng các bạn cần thay đổi suy nghĩ đó. Bởi những ngành này đòi hỏi phải có kiến thức tổng hợp, không ngừng đổi mới, sáng tạo, vừa phát huy các giá trị đặc thù vùng miền vừa có nhiều cơ hội học hỏi và giao lưu quốc tế. Mình rất mong nhiều bạn quan tâm, yêu thích và theo đuổi những ngành nghề này, đây là môi trường khởi nghiệp rộng lớn và đầy thách thức của thanh niên trong cả nước, đồng thời là cơ hội lớn để đóng góp, cống hiến cho cộng đồng, cho quê hương đất nước.
Là người phụ nữ đã khẳng định chỗ đứng của mình, điều này chắc chiếm nhiều thời gian trong cuộc sống của chị. Vậy chị có thể chia sẻ việc phân chia quỹ thời gian cho gia đình và công việc như thế nào?
Mình may mắn có chồng là anh Nguyễn Xuân Dũng, cũng là cựu học sinh CHT và 2 con trai đều ngoan ngoãn và chăm chỉ học tập. Anh Dũng cùng chuyên ngành với mình nên có thể chia sẻ với nhau nhiều trong công việc chuyên môn, luôn hỗ trợ, động viên và khích lệ mình trong công việc cũng như cuộc sống. Đặc thù công việc của mình khá bận rộn, thường xuyên phải đi công tác, nên việc sắp xếp việc nhà, việc cơ quan cho hợp lý, rèn luyện cho con cái tính tự lập, sự chia sẻ của gia đình và không ngừng rèn luyện sức khỏe bản thân là rất quan trọng.
Xin cảm ơn cuộc trò chuyện và những chia sẻ của chị!
Với những thành quả đạt được, chị Tô Thúy Nga đã khẳng định được tài năng và nỗ lực của mình. Điều này đã truyền cảm hứng, tiếp thêm động lực cho những học sinh chuyên Văn muốn phát triển trong các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống, dẫu khó khăn nhưng nếu cố gắng thì sẽ có thành quả và được ghi nhận. Chị chính là niềm tự hào, là tấm gương sáng cho các thế hệ học sinh CHT hướng tới học tập và noi theo. Chúc chị luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và có nhiều thành công hơn nữa trong công việc!
~News Team~