CỰU HỌC SINH TIÊU BIỂU: LÊ THÁI PHONG – TOÁN K3

PGS. TS LÊ THÁI PHONG

Ngày ấy và bây giờ

.

          1. Một người bạn thiếu thời đáng nhớ

         Ba mươi năm về trước, bạn học lớp chuyên Toán, tôi học lớp chuyên Văn. Chúng ta đã có 5 năm học tập cùng nhau dưới mái trường PTTH Năng khiếu Hà Tĩnh. Ngày ấy, bạn đã là người nổi tiếng, bởi nhiều lí do, nhưng nổi nhất là sau mỗi cuộc thi. Trong mắt tôi và những người bạn cùng trang lứa khác, bạn là người “thi đâu đỗ đó”. Bạn là thành viên ưu tú trong đội tuyển của gần như tất cả các kì thi cấp Tỉnh và cấp Quốc gia từ lớp 9 đến lớp 12.

          + Năm lớp 9, Giải Nhất Tỉnh môn Toán và Vật lí; Giải Ba Toán Quốc gia.

          + Năm lớp 10, Giải Nhất Tỉnh môn Toán và Vật Lí.

          + Năm lớp 11, Giải Nhất Tỉnh môn Toán; Giải Ba Toán Quốc gia lớp 12.

          + Năm lớp 12, Giải Nhất Tỉnh môn Toán và Hóa học; Giải KK môn Toán quốc gia.

          Tôi còn nhớ thời kì đó, kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia khó hơn bây giờ. Trong kì thi này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia thành hai bảng: Bảng A và bảng B. Bảng A bao gồm các trường chuyên hoặc có bề dày truyền thống hoặc ở các tỉnh có điều kiện kinh tế thuận lợi. Bảng B bao gồm các trường chuyên ở các tỉnh còn lại, điều kiện kinh tế khó khăn hơn. Mức độ khó của đề thi hai bảng này cũng khác nhau. Đề bảng A khó hơn bảng B. Dù mới được thành lập sau khi tách tỉnh, cơ sở vật chất và điều kiện giảng dạy học tập còn quá thiếu thốn, khó khăn nhưng Trường PTTH Năng khiếu Hà Tĩnh vẫn được xếp trong bảng A, nghĩa là cạnh tranh với các trường nằm ở vị trí tốp đầu cả nước. Vậy mà chúng ta, những lứa học sinh đầu tiên ấy, vẫn mang lại nhiều thành tích đáng nể.

          Nhà tôi ở ngay thị xã. Nhà bạn ở mãi tận huyện Kỳ Anh. Bạn được ở trong kí túc xá, còn tôi thì không. Nhưng chiều nào tôi cũng đạp xe vào chơi cùng các bạn. Trong kí túc xá giấy dầu hồi đó, tôi vẫn luôn nhìn thấy hình bóng của bạn với dáng người mảnh khảnh, gương mặt trắng trẻo thư sinh, ăn nói nhẹ nhàng, cử chỉ tao nhã… Người bạn thuở thiếu thời năm ấy, nay đã là Phó Giáo sư, Tiến sĩ ở một trường Đại học danh tiếng của Việt Nam: PGS.TS Lê Thái Phong, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội.

          2. Một nhà giáo mẫu mực, tài năng

          Bạn sinh ra trong một gia đình có truyền thống dạy học. Cha bạn từng là giáo viên dạy Vật lí ở trường THPT Kỳ Anh. Từ nhỏ, bạn đã nuôi dưỡng ước mơ sau này trở thành nhà giáo. Bạn nói rằng, trường học, thầy cô, học trò đối với bạn là vô cùng thiêng liêng, cao quý. Lúc mới lên 5, 6 tuổi, sở thích của bạn là cầm phấn vẽ loằng ngoằng lên bảng, hay viết khắp cánh tủ, lên tường những câu khẩu hiệu như “Học, học nữa, học mãi”, “Quyết tâm thi đua trở thành lớp tiên tiến”… Mỗi lần nhìn thấy người cha của mình lên lớp giảng bài, bạn đều cảm thấy ngưỡng mộ và thích thú.

          Ước mơ ấy lớn dần lên khi bạn được theo học dưới mái trường Năng khiếu Hà Tĩnh. Trong lớp Chuyên Toán Khóa 3 năm đó, bạn là lớp trưởng. Bạn gây ấn tượng sâu đậm trong tâm trí của những người thầy giáo, cô giáo thuộc thế hệ đầu tiên. Tôi còn nhớ hồi đó, thầy Tống Trần Lữ cứ tấm tắc: “Cái cậu Phong Lành ni sau rồi thành đạt lắm đây”. Nếu được hỏi lí do, thầy nói rằng vì bạn không những thông minh mà còn chỉn chu và biết đối nhân xử thế. Sau này, cô Nguyễn Thị Mỹ Bình kể lại kỉ niệm về bạn, cô nhớ mãi: Vào những mùa bóng đá, ti vi hồi đó hiếm, được một hai cái ở phòng tập thể các thầy, nên thầy cô và học trò cùng xem chung một chỗ, bạn lúc nào cũng đến sớm hơn, giữ cho cô một ghế, mời cô ngồi. Hết trận bóng, nhiều lúc đêm đã rất khuya, bạn lại đưa cô về phòng, vòng tay nói: “chào chị, em chúc chị ngủ ngon”. Cứ như thế, cho đến tận bây giờ vẫn thế, bạn luôn luôn chu đáo và quan tâm ấm áp đến mọi người như thế.

          Nhưng có lẽ người mà bạn kính phục nhất, người ảnh hưởng trực tiếp nhất đến quyết định sau này sẽ trở thành nhà giáo đấy chính là thầy Hoàng Ngọc Cảnh, thầy chủ nhiệm mấy năm cấp 3. Thầy đam mê dạy, bạn đam mê học, bạn và thầy có chung một niềm say mê là giải những bài Toán hay và khó. Bạn kể có lần, đang ăn cơm trong kí túc xá, thảo luận về một bài Toán khó nhưng không có sẵn giấy bút hay phấn bảng, hai thầy trò kéo nhau ra ngoài sân, dùng đá hay cành cây khô viết vẽ hình lên trên mặt đất để tìm ra đáp số… Trong những giờ học, hình ảnh thầy ở trên bục giảng luôn khơi dậy trong bạn những mơ mộng, khát khao.

          + Ước mơ trở thành sự thật khi tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương bạn là sinh viên xuất sắc được giữ lại trường và trở thành giảng viên khoa Quản trị kinh doanh từ tháng 9 năm 2001.

          + Năm 2004, bạn xuất sắc giành học bổng thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) của Trường Đại học Tổng hợp Wales, Vương quốc Anh (2004-2005).

          + Trở về nước, bạn vẫn tục với vai trò giảng viên. Sau đó, với nhiệt tình cống hiến, bạn sớm trở thành Trưởng phòng Quản lí dự án, trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội.

          + Năm 2008, bạn lại giành được học bổng và quay trở lại Vương quốc Anh để theo học và nghiên cứu tại trường Đại học Tổng hợp Leeds (The University of Leeds) với chuyên ngành kinh doanh Quốc tế. Bạn chọn ngôi trường này bởi ở đó có giáo sư hàng đầu thế giới Peter Buckley với lí thuyết nổi tiếng internalization (thuyết nội vi hóa). Sau 4 năm làm việc cật lực, bạn hoàn thành luận án tiến sĩ với đề tài: Vai trò của tác động lan tỏa trong đầu tư trực tiếp nước ngoài đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp Anh quốc.

          Từ đó đến nay, bạn vừa là giảng viên tài năng của biết bao thế hệ sinh viên đại học Ngoại thương, vừa là người quản lí điềm đạm, mẫu mực ở vị trí Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh. Bạn rất tâm huyết xây dựng khoa Quản trị kinh doanh trở thành hùng mạnh, có thể đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Bạn luôn trăn trở làm sao để có được những bài giảng tốt nhất, hữu ích nhất gửi đến sinh viên Quản trị kinh doanh, đến cộng đồng doanh nghiệp, mong muốn góp phần nhỏ bé vào việc tăng hiệu quả kinh doanh của họ.

          + Năm 2016, bạn được Nhà nước phong tặng học vị Phó Giáo sư, trở thành một trong số ít PGS trẻ nhất trường Đại học Ngoại thương lúc đó. Ngày được phong tặng chức danh Phó Giáo sư, bạn nhận được rất nhiều hoa và lời chúc mừng, trong đó có bó hoa của chúng tôi, những người bạn dưới mái trường Năng khiếu Hà Tĩnh một thời, nay vẫn quấn quýt bên nhau trong mỗi bước đi, trong mỗi nỗi buồn vui của cuộc sống.

          3. Một nhà nghiên cứu khoa học xuất sắc

          Với bạn, nghiên cứu khoa học chính là niềm đam mê thứ hai. Bạn say mê nghiên cứu, bởi bạn biết nghiên cứu khoa học sẽ giúp cho công việc giảng dạy được tốt hơn. Bạn có rất nhiều công trình đã được công bố trên các tạp chí trong nước và nước ngoài.

          + Một trong những công trình nghiên cứu của được đánh giá là rất thiết thực trong công tác quản trị doanh nghiệp là Mô hình 5C, lần đầu được đề xuất bởi OECD, đang được bạn và đồng nghiệp tích cực giới thiệu. Bạn chia sẻ, ở Việt Nam, các doanh nghiệp kinh doanh phần lớn theo hướng tự phát, hầu hết nắm bắt cơ hội và kinh doanh những thứ thị trường cần. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, ổn định, cần nhận thức thấu đáo về thực trạng, khả năng doanh nghiệp để có kế hoạch phát huy thế mạnh, hạn chế điểm yếu. Vì thế, mô hình 5C ra đời cung cấp một bộ tiêu chí, công cụ khoa học, hiệu quả để đánh giá “sức khỏe doanh nghiệp”. 5C là viết tắt của Khả năng cam kết và thực hiện (capability to commit and act);Khả năng thực hiện các mục tiêu (capability to deliver on development objectives); Khả năng liên kết (capability to relate); Khả năng thích ứng và tự làm mới mình (capability to adapt and self-renew); và khả năng kết hợp (capability to achieve coherence).

          Mô hình 5C cho phép nhìn nhận sự phát triển năng lực của doanh nghiệp không chỉ do bản thân nội tại của doanh nghiệp đó mà còn do các yếu tố bên ngoài (môi trường ngành, môi trường quốc gia và môi trường quốc tế) tác động. Các doanh nghiệp tùy theo hoàn cảnh của mình có thể phát triển mô hình 5C theo các hướng khác nhau bằng cách thay đổi thêm bớt các biến trong bảng hỏi để phù hợp với hoàn cảnh doanh nghiệp mình. Đây là một trong những đóng góp ý rất ý nghĩa của bạn trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học và cũng rất thiết thực khi ứng dụng thực tiễn vào hoạt động của các doanh nghiệp hiện nay.

          Đã gần 20 năm bạn tôi gắn bó với sự nghiệp dạy học và nghiên cứu khoa học ở Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, dù ở đâu, với cương vị nào, bạn vẫn luôn giữ tác phong điềm đạm, nhẹ nhàng, với bạn bè luôn ân cần và thấu hiểu. Chúng tôi rất tự hào về bạn.

          + Cựu học sinh trường Chuyên Hà Tĩnh theo học ở Đại học Ngoại thương bây giờ đều rất ngưỡng mộ bạn tôi, thầy Lê Thái Phong, nhưng không phải ai cũng được biết, thầy chính là tiền bối của mình, một tiền bối xuất sắc của mấy mươi năm về trước.

~News Team~

You may also like...