CỰU HỌC SINH TIÊU BIỂU: TRẦN THỊ KHÁNH CHI – AK12
TRẦN THỊ KHÁNH CHI – CHUYÊN ANH KHÓA 12
.
Nếu mười năm trước, chúng ta còn xa lạ với Điện ảnh Việt Nam thì bây giờ những bộ phim Việt đã bắt đầu có chỗ đứng trong lòng khán giả. Đằng sau thành công của mỗi bộ phim là bóng dáng của một dàn ê-kip thầm lặng làm việc hết sức mình và tin rằng có một ngày điện ảnh Việt Nam sẽ vươn ra tầm quốc tế. Với niềm tin đó, Trần Khánh Chi – cựu học sinh chuyên Anh khóa 12, trường THPT Chuyên Hà Tĩnh đã bén duyên với Điện Ảnh qua vai trò Phó đạo diễn cho những bộ phim điện ảnh như: “Cô Hầu Gái” (2016), “Vệ Sỹ Sài Gòn” (2017), “Sắc Đẹp Ngàn Cân” (2017), và “Chị Chị Em Em” (2019).
Có một câu nói của Mark Twain: “Hai mươi năm nữa bạn sẽ thất vọng vì những điều bạn đã không làm hơn là những điều bạn đã làm. Vứt mỏ neo đi. Dong thuyền ra khơi. Căng buồm lên đón gió. Thám hiểm. Mơ. Khám phá.”
Bức hình con thuyền dong buồm cùng câu quote này đã đi cùng Chi tới tận bây giờ “Vậy nên các bạn cứ đi thôi. Đừng ngại”. Đây cũng là lời chia sẻ của Khánh Chi dành cho các bạn học sinh với mong muốn khích lệ mọi người theo đuổi đam mê của mình.
Năm năm trước, Khánh Chi tốt nghiệp Cử nhân ngành Sản Xuất Truyền Thông Đa Phương Tiện từ Calvin College, Michigan, USA và quay về Sài Gòn làm từ Trợ lý sản xuất tới Phó Đạo diễn cho phim điện ảnh, quảng cáo, phim ngắn, MV ca nhạc. Nhưng suốt 5 năm ở đây, bản thân chị nhận thấy thị trường Việt Nam nói chung và Hồ Chí Minh nói riêng đang thiếu một nơi ươm mầm và đào tạo kỹ năng diễn xuất nên khi chị Kathy ngỏ một cơ hội tuyệt vời là về làm Academy Manager mở học viện A.C.T Academy, một vị trí hoàn toàn mới đối với chị lúc đó, Chi nhận lời.
Trong thời gian làm việc tại A.C.T Academy, Khánh Chi nhận thấy thuận lợi của học viện đó là không có nhiều đối thủ cạnh tranh. Vì lúc bấy giờ trường đào tạo diễn xuất duy nhất trong Hồ Chí Minh là Trường Sân Khấu Điện Ảnh. Nếu khi bạn chuẩn bị kinh doanh mà không có ai cạnh tranh thì bạn dễ thâu tóm thị trường. Song nếu không có nhiều đối thủ thì có thể do thị trường quá bé hoặc lĩnh vực này khó sinh ra lợi nhuận. Và thật may mắn khi A.C.T Academy có được partner là anh Thanh Bùi – Embassy Education và tập đoàn Enpointe là những người có kinh nghiệm hơn 8 năm mở trường Soul Music and Performing Arts Academy. Trong mảng giáo dục nghệ thuật, anh Thanh và những anh chị đi trước là nguồn động viên, giúp đỡ giúp A.C.T Academy rất nhiều để học viện đi được đến bây giờ.
Khánh Chi chia sẻ một trong những trải nghiệm nhớ nhất đó là khi mọi thứ đang bắt đầu từ số 0, chỉ làm mọi thứ một mình ít khi dám nhờ vả ai. Chỉ là chuyện bưng ghế, đơn giản là mỗi ngày bưng 24 cái ghế mà ghế thì không có vì start up nghèo chưa có tiền mua, đi mượn của Trường Soul (hehe) cuối giờ thì lại bưng xuống trả lại. Hồi đầu nghĩ cũng làm được hết, với học viên mới chưa quen nên ngại không dám nhờ, sáng sáng bưng lên 24 ghế, chiều bưng xuống 24 ghế. Tới lúc đông học viên rồi, quen biết dần, học viên ở lại phụ bưng giúp, sau đó cũng bắt đầu thêm nhân viên làm gì cũng có người đồng hành, cảm động lắm. “Việc gì mới làm khi nào cũng sẽ rất vất vả, đôi khi cô đơn nhưng dần dần người ta sẽ hiểu bạn, tới lúc họ sẵn sàng chìa tay ra với mình, là lúc mình bắt đầu nếm được những thành quả đầu tiên trong công việc.”
Điều bất ngờ đối với Khánh Chi và cả chị Kathy là sau một năm rưỡi sau khi mở trường, đã có hơn 300 học viên đến với A.C.T Academy. Tháng 6 này, A.C.T cũng mới dọn xong vào nhà mới; với trên dưới 10 nhân viên, văn phòng trên đường Pasteur, Quận 3, TP. HCM tương lai sẽ thành một ngôi nhà cho diễn viên (Actor House) và những người đam mê điện ảnh. Sau gần 2 năm gắn bó với học viên A.C.T Academy, quãng thời gian tiếp theo Khánh Chi muốn dành thời gian nạp lại năng lượng cho bản thân mặt khác trau dồi thêm những kiến thức mới, tập trung vào các cơ hội mới.
Chia sẻ về ba năm cấp 3 của mình, Khánh Chi nghĩ rằng điều làm nên khác biệt giữa môi trường học của Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh với các trường THPT khác đó là sự tự do. Điểm mà chị thích nhất ở trường chuyên là có cô Nguyệt và cô Phi Lý chủ nhiệm của AK12 từ lớp 10 tới lớp 12. Chị chia sẻ rất vui rằng: “Khi học thì cần thầy cần cô để hiểu được cái tính ẩm ương hoặc khùng khùng của mấy đứa chuyên Anh như chị. Ngoài ra thầy cô sẽ giúp chúng ta định hướng bản thân và trở thành một người tốt hơn.” Với Khánh Chi, điều động viên lớn nhất là trong môi trường Chuyên làm bất cứ điều gì cũng được thầy cô hoan nghênh, ủng hộ và tạo điều kiện. Chính điều đó đã giúp học sinh trường Chuyên sáng tạo và dám nghĩ dám làm!
Có một kỉ niệm khiến Khánh Chi nhớ nhất đó là khi còn học lớp 10. Chưa bao giờ để tóc dài nên ngày đầu tiên ép tóc, tóc ngang vai. Chị nhớ lại lúc đó vì ngại nên mặc áo đồng phục kéo mũ lên để che. Ai ngờ cô Nguyệt chủ nhiệm mới nhìn thấy đã phì cười, bắt cởi mũ ra cho cả lớp xem. Xong cả lớp cười lăn lộn. “Nhớ lắm! Sâu sắc lắm!,” Khánh Chi bồi hồi nhớ lại.
Nguyện vọng của Khánh Chi đó là lúc trẻ chị sẽ dành thời gian, sức lực cho sự nghiệp. Khi mọi thứ ổn định rồi sẽ được dành nhiều thời gian với gia đình . Chị xa gia đình từ sớm, lúc 18 tuổi đã đi học và du học rồi vào Sài Gòn tới giờ gần 12 năm. Cũng may mắn là càng về sau này thì càng có nhiều thời gian và điều kiện để về thăm gia đình hơn. Chị nghĩ bố mẹ cũng sẽ hiểu cho chị một phần, còn bản thân thì cứ khi nào có thời gian rảnh hoặc nghỉ phép lâu, nghỉ Tết thì chị sẽ sắp xếp bay về Hà Tĩnh và dành thời gian đó với gia đình và bạn bè. Chỉ cần nhớ là: “Đường về nhà là vào tim ta, vận đổi sao dời nhà vẫn luôn là nhà;” cộng thêm: “Đi ra đường là cá mập về nhà là cá con” thì cuộc sống rất là đơn giản tự do vậy thôi.
~News Team~