CỰU HỌC SINH TIÊU BIỂU: NGUYỄN TRUNG KIÊN – TOÁN K2

ĐẠI TÁ, PGS-TS NGUYỄN TRUNG KIÊN – CHUYÊN TOÁN KHÓA 2

.

         Tôi gặp anh trong những ngày Hà Nội bước vào tháng Tư. Dọc các con phố ở đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân loa kèn trắng muốt tỏa sắc, khoe hương. Ẩn mình dưới tầng lá bàng xanh biếc, lặng lẽ sau cái ồn ào của phố thị tấp nập người và xe là ngôi trường có tuổi đời 75 năm truyền thống với 02 lần danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – Học viện An ninh nhân dân, Bộ Công an. Buổi gặp gỡ với anh vỏn vẹn ba mươi phút và có nhiều chuyện để nhớ…

          Ký ức đậm sâu về Chuyên Hà Tĩnh?

          “Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu /Lời hát đầu xin hát về trường cũ/ Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ/ Sân trường đêm – rụng xuống trái bàng đêm”… Năm 1992, tôi được là học sinh chuyên Toán của trường Năng khiếu Hà Tĩnh. Năm học 1992-1993 trường vẫn chỉ là dãy nhà cấp 4 trong khuôn viên phía sau của trường Phan Đình Phùng, đến cuối năm 1993, đầu 1994 trường mới chuyển ra tòa nhà 3 tầng phía ngoài của trường Phan Đình Phùng. Thời kỳ đó vô cùng khó khăn nhưng rất vui và nhiều kỷ niệm.

          Trong tôi, vẫn còn vẹn nguyên KÍ ỨC VỀ NHỮNG NGƯỜI THẦY, về những bài học tôi được lắng nghe trong lớp học đơn sơ ngày đó…Tôi vẫn nhớ như in sự say sưa trong giờ Toán của thầy Trịnh Hộ, chủ nhiệm lớp Toán K2, sự hấp dẫn trong giờ Sinh của thầy Bạch Hưng Phú, sự nghiêm khắc trong giờ Địa của thầy Trần Đình Hậu, sự duyên dáng trong giờ Sử của cô Nguyễn Thị Mỹ Bình, sự nhiệt huyết, đầy năng lượng trong giờ Lý của thầy Đinh Nho Kiểu, sự sâu lắng, ma mị trong giờ Hóa của thầy Phan Văn Tường… và nhiều thầy cô khác nữa…Chính các thầy, cô đã động viên, khuyến khích, là nguồn cảm hứng cho bọn tôi nỗ lực học tập đạt kết quả tốt”.

          Kỷ niệm với những người bạn cùng trang lứa luôn hiện rõ mồm một trong tâm trí tôi. Nhà tôi ở khá xa trường. Sáng nào lũ học sinh chúng tôi ở thị trấn Cày (nay là thị trấn Thạch Hà) cũng đạp xe cọc cạch vào trường để học. Bất kể ngày nắng hay mưa, chúng tôi luôn cười vui như Tết. Buổi trưa, bọn tôi ở lại trường, ăn cơm Dì Hùng, Dì Thọ nấu. Mỗi suất cơm lúc đó chỉ 600 đồng. Trong đó, 400 đồng tiền cơm (2 bát) với 200 đồng 3 miếng đậu phụ chấm nước mắm, nước canh đại dương thì không lấy tiền. Hình như tôi vẫn còn nợ mấy nghìn tiền cơm của Dì Hùng…Các bạn của tôi không biết có còn nhớ những kỉ niệm này không? “Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế/Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi???”

          Những điều anh muốn gửi gắm đến các em học sinh Chuyên Hà Tĩnh hôm nay?

          Tôi nghĩ các em học sinh ở trường chuyên Hà Tĩnh đều học giỏi, năng động nên có nhiều lựa chọn để vào các trường đại học hiện nay. Các em có thể theo các ngành kinh tế để sau này khởi nghiệp thuận lợi. Các em có thể theo các ngành hợp tác quốc tế để hội nhập với thế giới. Đam mê nghiên cứu các em có thể theo các ngành khoa học, công nghệ, môi trường để góp phần xây dựng nền khoa học, công nghệ nước nhà phát triển trong tương lai, bảo vệ tài nguyên môi trường. Thậm chí các em có thể học ngành nông nghiệp, lâm nghiệp để trở về xây dựng nông thôn mới ở chính quê hương mình…Chúc các em HÃY CỨ THEO ĐUỔI ĐAM MÊ, thành công sẽ theo đuổi các em..

          Những em yêu thích ngành Công an, thích khám phá vụ án, thích điều tra tội phạm, bảo vệ sự yên bình cho nhân dân thì có thể lựa chọn xét tuyển hoặc thi vào Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân và các trường Công an khác. Đây là môi trường rất tốt để học tập, rèn luyện trở thành một sỹ quan công an trong tương lai. Các trường Công an nhân dân có điều kiện sinh hoạt thuận lợi, ăn ở, học tập, rèn luyện tập trung và ngành Công an đài thọ toàn bộ chi phí ăn ở, trang phục, tài liệu học tập từ lúc nhập trường cho đến lúc ra trường, không phải mất bất kỳ một khoản kinh phí nào và không phải lo việc làm. Tốt nghiệp đại học ra trường được phong quân hàm sỹ quan thiếu úy và phải tuân theo sự điều động của lực lượng Công an, phải “đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc, Đảng và Nhân dân cần đến”.

          Đó là những trải lòng của anh Nguyễn Trung Kiên, Chuyên toán khóa 2, quê ở thị trấn Thạch Hà, Hà Tĩnh. Hiện tại, anh là Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Trưởng khoa An ninh chính trị nội bộ, Học viện An ninh nhân dân, Bộ Công an. Anh là người thầy truyền lửa cho nhiều thế hệ học trò dưới ngôi trường này. Và như anh nói “chính những bài học từ các thầy cô trường Năng khiếu Hà Tĩnh ngày nào là động lực, mục tiêu cho tôi bén duyên với nghiệp giảng dạy hôm nay”.

                                                                                                                              ~News Team~

You may also like...