CỰU HỌC SINH TIÊU BIỂU: PHAN ĐÌNH PHONG – TOÁN KHÓA 2

TIẾN SỸ – BÁC SỸ PHAN ĐÌNH PHONG

.

         Mười năm trước, anh vinh dự được mời phát biểu với tư cách là cựu học sinh trong buổi lễ kỉ niệm 20 năm ngày thành lập trường THPT Chuyên Hà Tĩnh. Bài phát biểu rất xúc động, để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc trong tâm trí những người tham gia buổi lễ ấy.

         Mười năm sau, cũng trong dịp kỉ niệm 30 năm thành lập trường, tôi gọi điện cho anh, mong được phỏng vấn anh để viết bài về “ Chân dung cựu học sinh tiêu biểu” với mục đích có thể lan tỏa những giá trị tốt đẹp cũng như truyền cảm hứng cho các em học sinh khóa sau. Nhưng lần này, anh đã ngần ngại, anh nói, kí ức về trường xưa gắn liền với nỗi buồn của anh khi chứng kiến sự ra đi trong bạo bệnh của những người thầy mà anh yêu quý. Là một bác sĩ, anh cảm thấy rõ sự bất lực của bản thân mình. Tôi đã cố gắng thuyết phục, rằng đó là nỗi buồn không tránh khỏi của kiếp nhân sinh, và đó là sự bất lực chung của nhân loại, không chỉ riêng với ai…

         Và may mắn thay, những nỗ lực của tôi cũng có được kết quả, anh đã đồng ý chia sẻ những tâm sự chân thật nhất của mình. Giá mà anh biết được rằng, rất nhiều thầy cô, rất nhiều cựu học sinh khác, những người biết đến anh, hiểu và trân trọng được những cống hiến của anh trong ngành Y khoa, đã mong chờ được đọc bài viết này như thế nào, tôi chắc rằng, anh đã không để chúng tôi đợi chờ lâu đến thế…

          ❓ Anh có thể giới thiệu vài nét về bản thân và công việc hiện tại của mình được không ?

         Tôi là Phan Đình Phong, học sinh chuyên Toán khóa 2. Tôi là bác sĩ công tác tại viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, bệnh viện Bạch Mai và là giảng viên của Bộ môn Tim mạch, Đại học Y Hà Nội.

          ❓Cảm xúc của anh khi hướng về Kỷ niệm 30 năm thành lập trường THPT Chuyên Hà Tĩnh?

          Tôi rất bồi hồi và mong đợi, Đây sẽ là một cuộc hội ngộ xúc động. Tôi mãi luôn tự hào là học sinh của trường. Sau 30 năm, trường của chúng ta đã đạt đến vị thế rất cao. Trong một lần đứng lớp giảng sinh viên Y khoa, các em đều từng là những học sinh có thành tích học tập cao đến từ mọi miền tổ quốc, tôi nói mình là cựu học sinh của Chuyên Hà Tĩnh, các bạn trẻ đã vỗ tay đầy phấn khích. Tôi hiểu được rằng, cái tên Chuyên Hà Tĩnh đã trở nên ấn tượng như thế nào trên khắp cả nước .

          Tôi còn nhớ nguyên cảm xúc khi trở thành một trong những học sinh đầu tiên của Trường vào năm 1991. Đứng ở sân trường, lúc đó chỉ là thảm cỏ nhỏ trước dãy nhà cấp 4, tôi đã thầm nghĩ “ mình phải là một trong những học sinh xuất sắc nhất của cả thế hệ mới được có mặt ở đây”, suy nghĩ tuy ngô nghê và hồn nhiên nhưng tự hào là như vậy.

          ❓ Một kỷ niệm đáng nhớ của anh với Nhà trường ?

           Năm 2011, trong dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Trường, tức cách đây 10 năm, một kỷ niệm không thể quên là tôi đã được mời làm đại diện của Cựu học sinh phát biểu trong buổi chính lễ. Nhận cuộc điện thoại từ cô Ái Huế, trong lòng tôi trào lên một cảm giác vinh dự đến khó tả. Sau 20 năm, Nhà trường đã có bao nhiêu bạn cựu học sinh xuất sắc, thế mà tôi đã được chọn. Có lẽ vì nghề nghiệp của tôi vừa là Thầy thuốc vừa là Thầy giáo nên được ưu ái. Ngay tối hôm đó, tôi bắt đầu viết những dòng cảm xúc. Đầu tiên tôi viết về người Thầy với tất cả lòng biết ơn công lao dạy dỗ và dìu dắt. Hình ảnh thầy, cô trường cũ lần lượt hiện ra từ kí ức, còn rất rõ nét với những gì rất riêng của từng người. Hồi ấy, tôi nhớ vóc dáng thầy cô ai cũng hơi gầy, ăn mặc giản dị nhưng đều đang ở một khoảnh khắc tràn đầy nhiệt huyết truyền thụ kiến thức…Viết xong, tôi đưa phác thảo bài phát biểu cho mẹ tôi đọc. Mẹ tôi cũng là một nhà giáo, bà đọc chăm chú một lúc và nói “Ngoài Thầy, Cô rất đáng kính, các con cũng nên nhớ về các nhân viên hành chính, người đánh trống, cô dọn vệ sinh, bác bảo vệ… họ cũng đã góp phần tuy nhỏ bé nhưng là rất thật tạo nên ngôi trường danh giá đó”

            ❓Những người Thầy của trường chuyên năm xưa ảnh hưởng đến anh như thế nào?

          Tháng 4 vừa rồi, trong một buổi gặp gỡ rất ấm cúng giữa các Thầy Cô và đại diện cựu học sinh, tôi đã nói “Nghề giáo là cho đi, cho đi mãi, mà sống là để cho đi…”, lúc đó tôi thấy thầy Tống Trần Lữ ngồi bên cạnh lắng nghe xúc động. Thầy Lữ cũng như các thầy cô của chúng ta, hơn ai hết, hiểu thấu và tự hào về điều đó. Nhiều Thầy, Cô dạy dỗ thế hệ chúng tôi nay đã bước sang tuổi 70-80, sức khỏe tuy không còn như trước nhưng mãi luôn là chỗ dựa tinh thần sừng sững của những người học trò cũ.

          Tôi học được rất nhiều từ những Thầy, Cô giáo trường chuyên, đó là sự bao dung và tình thương dành cho con trẻ, đó là sự chính trực hướng tới những giá trị tốt đẹp đích thực, đó là lối tư duy độc đáo từ những trí tuệ xuất sắc và chuyên cần, đó là niềm tự hào và tình yêu quê hương, là sống có trách nhiệm với những người xung quanh… Những nét nhân cách rất quý từ những người Thầy kính mến theo thời gian đã trầm tích vào chúng ta, tạo nên con người tốt trong chúng ta.

          Nhiều người Thầy, người Cô trường chuyên ảnh hưởng sâu sắc đến tôi, trong đó có thầy Trịnh Hộ, môn Toán, giáo viên chủ nhiệm rất gắn bó và thầy Bạch Hưng Phú, môn Sinh, người đã định hướng cho tôi thi vào ngành y để trở thành bác sĩ.

            ❓Anh nghĩ thế nào về các học sinh chuyên Hà Tĩnh hiện nay?

          Cũng đều đã từng hay đang là học sinh của chung một mái trường, nhưng các học sinh đầu tiên như chúng tôi và của ngày hôm nay có những điểm khác biệt, phần do bối cảnh thế hệ có khác. Tôi luôn theo dõi thành tích học tập của các em hằng năm và vào xem thông tin trên fanpage của Nhà trường. Tôi vui mừng vì các bạn học sinh trường ta hiện nay rất giỏi giang, không chỉ ở các môn học chính mà còn trong các hoạt động ngoại khóa, trong rèn luyện kỹ năng sống. Tôi đã nghe các bạn hùng biện ngoại ngữ, tôi đã xem các nhóm nhạc học sinh trình diễn nhạc cụ và ca khúc… phải nói là rất ấn tượng. Tuy nhiên, các bạn vẫn luôn phải cố gắng để hoàn thiện và toàn diện hơn nữa và phải làm sao đồng đều hơn giữa các bạn với nhau.

            ❓Chúng ta đã nói về những niềm vui, đáng tự hào. Vậy có nỗi buồn nào anh muốn chia sẻ không? Như anh đã nói, kí ức về trường gắn với nỗi xót xa khi chứng kiện sự ra đi của những người thầy mà anh yêu quý ?

          Là một thầy thuốc, tôi đã rất buồn khi chứng kiến những căn bệnh quái ác cướp đi cuộc sống của những người Thầy kính mến. Tôi nhớ thầy Nguyễn Đăng Ái, ngày đưa Thầy đi khám và phát hiện căn bệnh hiểm nghèo, tôi cố gắng tỏ ra bình tĩnh động viên dù biết thời gian còn lại của Thầy rất ngắn ngủi. Nói chuyện với tôi lúc đó, Thầy vẫn say sưa về nhiều dự định còn dang dở. Trên đường về nhà tôi đã khóc. Tôi vốn không phải là người ủy mị. Thầy Đăng Ái không chỉ là Hiệu trưởng đầu tiên của Nhà trường với nụ cười nhân hậu, mà còn là bố của Huyền, bạn thân cùng lớp nên tôi có nhiều tình cảm. Tôi nhớ thầy Hoàng Cảnh, thầy chủ nhiệm năm lớp 9, nhớ về những cách giải toán vô cùng độc đáo, nhớ những ca khúc sôi nổi về thanh niên Thầy tập chúng tôi hát. Thế mà khi bạo bệnh ập đến, thầy yếu đi từng ngày. Mỗi lần tôi đến thăm, Thầy Luôn đầy khí phách chế ngự bệnh tật. Những ngày cuối cùng, có lần Thầy gọi điện nói: “Phong ơi, Thầy đau nhiều”, tôi cảm thấy vô cùng bất lực.

            ❓Vâng anh, đó thực sự là những ngày buồn nhất của trường chúng ta. Ba mươi năm đã qua, buồn vui tiếp nỗi nhau cũng là quy luật. Nỗi buồn hay niềm vui nào cũng trở thành một phần kí ức không thể thiếu của ngôi trường 30 tuổi. Là một thành viên trong Ban Liên lạc của Hội cựu học sinh, anh có thể cho biết Hội đã có dự định hay kế hoạch gì để tham gia sự kiện 30 năm sắp tới ?

           Ban liên lạc trong thời gian qua đã có một số cuộc gặp gỡ để bàn bạc. Chúng tôi sẽ cố gắng lan tỏa tinh thần và thông điệp của sự kiện tới tất cả các cựu học sinh để mọi người tham gia tích cực. Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm năm nay, Hội cựu học sinh dự kiến sẽ tổ chức một đêm Gala, tương tự như chương trình “Chung một lối về” mà Hội đã làm rất thành công năm 2016, rất mong gặp lại ở đó.

          Xin cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

            ✨ Nếu có dịp ghé vào thăm trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, nhìn lên góc trái phía trên cùng của bảng vinh danh thành tích cựu học sinh, bạn sẽ thấy tên và hình ảnh của anh Phan Đình Phong, là người giành giải Nhì Quốc gia đầu tiên của môn Sinh học. Đó là một gương mặt ngời sáng với nụ cười rất duyên.

          Bao nhiêu năm đã qua, cái tên Phan Đình Phong không chỉ được nhắc đến như một cựu học sinh tiêu biểu, mà còn là tên của một người thầy thuốc rất đỗi tài năng. Anh có nhiều công trình nghiên cứu hữu ích được xuất bản, được đăng tải trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế; đạt nhiều các giải thưởng lớn trên các diễn đàn Y học trong và ngoài nước. Vẫn biết rằng có nhiều điều thuộc về quy luật, và khả năng của con người cũng không là vô hạn, nhưng những cống hiến của ảnh trong ngành Y học hơn 20 năm qua, thực sự rất đáng nể phục. Nhiều người đã xem anh là ân nhân của họ, nhưng anh luôn khiêm tốn nói rằng anh chỉ cố gắng làm tốt nhất công việc của mình mà thôi.

          Còn với bao nhiêu thế hệ thầy cô, cựu học sinh Hà Tĩnh cũng như nhân dân Hà Tĩnh nói chung, anh trở thành niềm tự hào, là niềm tin, là chỗ dựa lớn lao trong những giờ phút cam go đối diện với bệnh tật… Khi trải qua thời khắc mệnh hệ của sức khỏe, phải tìm đến bệnh viện Bạch Mai, viện Tim Mạch, thì ý nghĩ đầu tiên của họ chính là “ Gọi cho anh Phan Phong ngay đi” ; “ Đã nhắn tin cho anh Phan Phong chưa? ” ;   “ Có anh Phan Phong ở đó rồi, mọi chuyện sẽ ổn thôi” … Tên của anh đã được nhắc đến như thế, đầy ấm áp và tin yêu như thế!

          Tôi nhớ có lần, khi Bệnh viện Bạch Mai bị phong tỏa cách ly bởi dịch COVID-19, rất nhiều y bác sĩ của bệnh viện phải căng mình đối mặt với an nguy của bệnh nhân và của cả chính họ, anh đã viết trên Facebook của mình là: “ Bạch Mai không chỉ là cơ sở y tế, mà còn là một biểu tượng”. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng, chính là anh, đã góp một phần không nhỏ làm nên biểu tượng ấy.

~News Team~

You may also like...