HỌC SINH LỚP 10 TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÀ TĨNH HỌC LỊCH SỬ QUA HÀNH TRÌNH TRẢI NGHIỆM VỀ CÁC ĐỊA CHỈ ĐỎ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH

 Khổng Tử từng nói “Những gì tôi nghe, tôi sẽ quên. Những gì tôi thấy, tôi sẽ nhớ. Những gì tôi làm, tôi sẽ hiểu”. Học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học, là yếu tố cốt lõi để phát triển năng lực và phẩm chất người học. Đây cũng là một trong những vấn đề mấu chốt về đổi mới giáo dục và đào tạo ở nước ta trong những năm gần đây.

Thực hiện kế hoạch dạy học bộ môn Lịch sử của năm học 2022 – 2023 – là năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT 2018, ngày 09/4/2023 giáo viên và học sinh lớp 10 Văn, 10 Sử Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh đã tiến hành giờ học Lịch sử thông qua trải nghiệm thực tế tại một số địa chỉ đỏ trên địa bàn Hà Tĩnh.

Bắt đầu hành trình trải nghiệm về các địa chỉ đỏ ở Hà Tĩnh.

Thoát ra khỏi lớp học truyền thống để đến không gian lớp học trải nghiệm là một số di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh, hầu hết các em học sinh đều tỏ ra thích thú, hứng khởi, say sưa với giờ học đặc biệt này.

1. Khu bảo tồn thiên nhiên hồ Kẻ Gỗ.

Kẻ Gỗ là đây bao năm đợi tháng chờ

Này vùng đá bạc đồi núi lô nhô

Như dòng suối nhỏ theo sông về với biển

Bỏ đồi hoang lại trong nắng trong mưa”

Đã từng biết đến công trình đại thủy nông này qua ca khúc “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nhưng lần đầu tiên được đi thuyền trên hồ tận mắt chứng kiến sự kỳ vĩ, nên thơ của cảnh sắc thiên nhiên nơi đây, tiếp cận tư liệu lịch sử, nghe nhân chứng kể chuyện về huyền thoại Kẻ Gỗ, các em học sinh mới thấm thía Kẻ Gỗ không chỉ là một hồ chứa nước nhân tạo, một công trình đại thủy nông kì vĩ – biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết và ý chí vượt khó của người dân Nghệ Tĩnh hơn 40 năm về trước mà hơn hết, Kẻ Gỗ còn là 1 địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh, mang giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, ôm trọn trong lòng những di tích của một thời bom đạn, những trận đánh B52 tàn khốc của đế quốc Mĩ với sự hi sinh xương máu của những chiến sĩ ngày đêm bảo vệ huyết mạch giao thông, để xe vào tiền tuyến với 2 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh: Đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn  Miếu thờ liệt sĩ trong lòng hồ Kẻ Gỗ.

Chụp ảnh lưu niệm tại Khu bảo tồn thiên nhiên hồ Kẻ Gỗ

Di tích đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn được xây dựng từ năm 2011 tọa lạc trên một hòn đảo nhỏ ngay giữa lòng hồ. Tại đây, các em học sinh đã được nghe cô giáo Nguyễn Thị Vũ Ngọc thuyết trình về cuộc đời cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và những dấu ấn của Bác với công trình hồ Kẻ Gỗ trong cảm xúc lâng lâng, tự hào trân trọng về một người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và Cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Mĩnh, một người con gốc quê hương Cẩm Duệ đã sống “Một cuộc đời/Thanh cao/Sôi động/Như Trường Sơn/Mãi mãi tươi xanh/Như Biển Đông/Ào ào dậy sóng”(Tố Hữu), cũng là người có nhiều quyết sách giúp Hà Tĩnh sớm hoàn thành công trình đại thủy nông kỳ vĩ này.

Trên cây cầu nối từ bờ ra đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn
Thắp hương tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn
Chụp ảnh lưu niệm tại đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn
Ngồi du thuyền dạo quanh hồ Kẻ Gỗ.

Điều lắng đọng nhất trong giờ học trải nghiệm là khi các em học sinh được cô giáo Nguyễn Thị Vũ Ngọc kể lại những câu chuyện bi tráng từng diễn ra tại lòng hồ Kẻ Gỗ gắn với con đường 21, 22 huyền thoại, sân bay dã chiến Libi với các trận tập kích ác liệt của không quân Mĩ vào sáng 2/9/1968 và đêm 7/1/1973.

Cô giáo Nguyễn Thị Vũ Ngọc kể lại những câu chuyện bi tráng từng diễn ra tại lòng hồ Kẻ Gỗ

Nơi đây đã xảy ra một thảm kịch chiến tranh vào đêm ngày 7/1/1973, khi không quân Mĩ tiến hành cuộc tập kích ác liệt khiến sân bay Libi vốn được thiết kế gồm 2 làn bay, chủ yếu phục vụ máy bay phản lực, chưa kịp xuất kích chuyến nào đã bị đánh phá tan tành. Điều đau đớn cho những người còn sống không chỉ là sự bi thảm của chiến tranh mà là cả chuyện chưa làm được trong thời bình. Cuộc tập kích của không quân Mỹ có lẽ là một trong những cuộc tập kích cuối cùng trên đất Việt Nam, bởi vì chỉ hai mươi ngày sau, ngày 27/1/1973, Hiệp định Pari được ký kết và từ thời điểm đó, “chiến trường” thực sự chỉ còn diễn ra trên đất miền Nam. Do toàn bộ nguồn lực của quốc gia đang dồn cho chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam, một mặt trận tan tành như sân bay Libi, lại nằm giữa chốn rừng sâu núi thẳm, tạm thời không được để ý đến.

Hòa bình, khi cả nước đang đầy thương tích, với mong muốn xây dựng công trình hồ Kẻ Gỗ nhanh nhất có thể để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, Nhà nước đã quyết định triển khai công trình này vào năm 1976, để rồi ba năm sau hoàn thành và bắt đầu tích nước. Và cũng từ đây, chiến trường ác liệt năm xưa, cùng rất nhiều hài cốt bộ đội và thanh niên xung phong, đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng hồ. Vai trò lịch sử của hồ Kẻ Gỗ đối với nền nông nghiệp nói riêng, nền kinh tế Hà Tĩnh nói chung trong hơn 4 thập kỷ qua thì không cần bàn cãi, nhưng việc chưa làm tròn nghĩa vụ với các anh hùng liệt sỹ đã mãi mãi trở thành một “dấu lặng” trong lòng những người ở lại.

Chăm sóc cảnh quan tại Miếu thờ liệt sĩ trong lòng hồ Kẻ Gỗ
Dâng hương tại Miếu thờ liệt sĩ trong lòng hồ Kẻ Gỗ

Miếu thờ liệt sĩ trong lòng hồ Kẻ Gỗ được xây dựng từ năm 2012 là một nén tâm nhang của đoàn cán bộ của Sở Giao thông vận tải TPHCM và Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ với mong muốn ghi ơn và tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh ngay chính tại mặt trận năm xưa. Máu xương không bao giờ là để so sánh, cũng như tri ân không bao giờ là đủ. 

Với tấm lòng hướng về quá khứ, với nỗi niềm trăn trở làm sao để việc tri ân các anh hùng liệt sĩ được đầy đủ, trang nghiêm hơn nữa, xứng đáng với tầm vóc lịch sử cũng như tính chất bi tráng của trận địa đặc biệt này, Ban quản lí khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ phối hợp với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance đã tích cực kêu gọi nguồn xã hội hóa để xây dựng công trình Khu tưởng niệm và đền thờ anh hùng liệt sĩ tại hồ Kẻ Gỗ nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ, thanh niên xung phong đã hi sinh tại mặt trận sân bay dã chiến Libi trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Công trình Khu tưởng niệm và đền thờ anh hùng liệt sĩ tại hồ Kẻ Gỗ đang trong quá trình hoàn thiện và rất cần những người cùng chung tâm nguyện tìm về để chứng tích này không bao giờ đi vào quên lãng

Dâng hương tại ngôi miếu nhỏ, rải bước trên mảnh đất linh thiêng nghĩ về một thời chiến đấu oanh liệt đã đi qua chắc chắn sẽ để lại trong lòng mỗi học sinh nỗi niềm khắc khoải, bồi hồi vừa cảm kích, tự hào, biết ơn và đau đớn, xót xa và tự thấy trách nhiệm của bản thân đối với sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước; đối với việc tri ân các anh hùng liệt sỹ để sự hi sinh của các anh các chị không bao giờ là lãng phí, tên tuổi của các anh, các chị mãi mãi không bao giờ bị lãng quên.

Chụp ảnh lưu niệm tại di tích sân bay Libi giữa lòng hồ Kẻ Gỗ

2. Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư  Hà Huy Tập

Hà Tĩnh vinh dự khi có hai người con ưu tú là những lãnh đạo cao nhất của Đảng trong những năm tháng mới thành lập. Ngoài đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, đồng chí Hà Huy Tập là Tổng Bí thư thứ 3 của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng chí Hà Huy Tập có công lao to lớn trong việc xây dựng và phát triển phong trào cách mạng của Đảng thời kì Mặt trận Dân chủ (1936 – 1939), tạo tiền đề quan trọng để dẫn tới thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Quần thể khu di tích là nơi lưu giữ di sản quý báu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cố Tổng Bí thư.

Học sinh tham quan nhà trưng bày về cuộc đời cố Tổng Bí thư Lê Duẩn
Nghe HDV thuyết minh về cuộc đời hoạt động của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập.
Dâng hương tại khu mộ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập
Chụp ảnh lưu niệm tại khu mộ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập

Giờ học lịch sử qua chuỗi hoạt động trải nghiệm tại các địa chỉ đỏ đã giúp mỗi học sinh lớp 10 Văn, 10 Sử trường THPT Chuyên Hà Tĩnh được phát huy năng lực sáng tạo trong học tập lịch sử, trở thành “người đóng vai trò lịch sử” hay “người làm lịch sử” để chủ động khám phá các kiến thức lịch sử, vận dụng sáng tạo kiến thức vào học tập và thực tiễn cuộc sống. Qua trải nghiệm thực tế, mỗi học sinh đều lĩnh hội được thêm nhiều kiến thức, hiểu và biết trân trọng hơn những giá trị văn hóa lịch sử của quê hương, đất nước từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát huy những giá trị đó. Có thể nói, hướng về cội nguồn luôn là một nét đẹp văn hóa để giữ gìn, bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho hôm nay và mãi mãi mai sau.

Bài viết, ảnh: Nguyễn Thị Vũ Ngọc.

You may also like...