KÝ ỨC VỀ THẦY NGUYỄN ĐĂNG ÁI

THẦY HIỆU TRƯỞNG, NGƯT NGUYỄN ĐĂNG ÁI

.

            Tháng 10 năm 1991, Trường Năng khiếu Hà Tĩnh được thành lập với người hiệu trưởng đầu tiên là Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đăng Ái. Thầy là người “vượt sóng rẽ trùng dương”, người đồng hành cùng nhà trường trong 19 năm đầu thành lập. Thầy còn là một giáo viên thông minh, bao dung, nhân ái, thương yêu học trò, luôn tận tâm, tận huyết với sự nghiệp trồng người và sự phát triển của Chuyên Hà Tĩnh. Dưới bàn tay chèo lái cùng sức mạnh của trí tuệ và tấm lòng yêu thương, thầy đã đặt nền móng cho một thế hệ học sinh tài năng, xuất sắc; những thành tựu to lớn đáng tự hào của trường trong suốt 30 năm qua. Trong số đầu tiên của chuyên mục “Kí ức về những người thầy”, chúng tôi xin đăng tải một số bài viết về thầy giáo Nguyễn Đăng Ái đã được biên soạn lại dưới đây.

            1. Bài viết về thầy Nguyễn Đăng Ái của tác giả Thanh Đạt, trích “Chân dung Nhà giáo Ưu tú Việt Nam – tập 2” (NXB Hội nhà văn, 2001).

NHÀ GIÁO ƯU TÚ NGUYỄN ĐĂNG ÁI

NGƯỜI GIEO MẦM NHỮNG TÀI NĂNG TRẺ

            Có lẽ chỉ đếm đầu ngón tay những trường đạt tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp và trúng tuyển vào các trường cao đẳng và đại học cao như Trường Năng khiếu Hà Tĩnh. Được thành lập từ năm 1991; nhà trường đã có 279 học sinh giỏi cấp Quốc gia, có học sinh đoạt huy chương vàng Quốc tế. Và vừa qua học sinh nhà trường, em Phan Mạnh Tân đã tự tin cầm ngôi sao may mắn bước lên đỉnh cao của cuộc thi trí tuệ Việt Nam trong cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”. Sau 10 năm thành lập, Trường Năng khiếu Hà Tĩnh đã được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đăng Ái – Hiệu trưởng nhà trường – là người khai sơn phá thạch, người đồng hành cùng nhà trường trong suốt 10 năm qua.

            Vốn không phải là dân học sư phạm, sinh viên Nguyễn Đăng Ái bước vào chuyên ngành Toán – Cơ tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sau khi tốt nghiệp lớp chuyên Toán khóa I. Đây cũng là lớp chuyên toán đầu tiên của miền Bắc tổ chức tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau lời phát động “cần xây dựng một đội ngũ những người giỏi Toán” của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày đó.

            Làng mộc Thái Yên, Đức Thọ, Hà Tĩnh có một tuổi đời hàng trăm năm với nhiều nghệ nhân tài hoa là quê hương của thầy giáo Ái – một gia đình có truyền thống cách mạng. “Bố tôi tham gia cách mạng ở Lào – Thái Lan từ những năm 40. Khi gia đình trở về Việt Nam, tôi lên 10 tuổi – điều khó nhất của tôi lúc đó phải “đánh vật với môn tiếng Việt”. Tuy nhiên, cậu học trò là học sinh giỏi Toán cấp tỉnh, tham dự Đại hội cháu ngoan Bác Hồ lần thứ nhất. Và cuộc đời của Nguyễn Đăng Ái gắn liền với những công thức toán học, sự trừu tượng của hình học không gian và lập luận diễn giải những tiêu đề, phương trình và những con số. Có lẽ tư duy toán học đã giúp thầy giáo Ái có được phong cách khúc chiết và đúng mực của người quản lý.

Năm 1971, sau khi rời ghế nhà trường với những may mắn là được học với những thầy giáo giỏi như giáo sư Lê Văn Thiêm…thầy giáo Ái được điều về phân hiệu mới của Trường cấp III bổ túc văn hóa công nông Hà Tĩnh tại vùng miền núi Cẩm Sơn. Thầy tâm sự: “Tôi không được đào tạo về khả năng cũng như phương pháp sư phạm. Tôi đến với nghề bằng tất cả sự tìm tòi kiến thức toán học cho đến phương pháp giảng dạy.” Trường cấp III bổ túc văn hóa Hà Tĩnh vào thời điểm đó là trường điểm của ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên có năng lực, trình độ, hầu hết đã từng tham gia kháng chiến, trong môi trường đó thầy giáo Ái học tập được nhiều điều. Thầy giáo Ái công tác ở đây đến năm 1973, sau khi Mỹ ký hiệp định ngừng ném bom phá hoại miền Bắc thì được phân công về trường cấp III Đồng Lộc – Can Lộc. Đồng Lộc trong thời kỳ Mỹ ném bom phá hoại là một vùng đất chiến lược ngày đêm không chịu không biết bao nhiêu trận bom thù – mảnh đất đã tạo nên biểu tượng anh hùng thời đại chống Mỹ – Ngã ba Đồng Lộc. Vừa hết bom đạn chiến tranh, người dân nơi đây lại hăng hái bắt tay vào xây dựng đất nước. Mảnh đất đó trong chiến tranh vô cùng kiên trinh anh dung, và tinh thần này được thấy qua tỷ lệ học sinh nhà trường tốt nghiệp phổ thông những năm đó là 60 đến 70% trong khi ở các địa bàn khác chỉ đạt 30 đến 40%.

            Sống trong nhà tranh, học trong đèn dầu, vừa học vừa tăng gia sản xuất. Phải nói rằng đó là mảnh đất để con người sống những năm tháng thực sự có ý nghĩa với những phong trào tự học, tự bồi dưỡng xây dựng nên tập thể giáo viên mạnh. Trong thời gian này, thầy giáo Nguyễn Đăng Ái đã tích cực tham gia vào các hoạt động đoàn thể. Trên cương vị là phó thư ký Công đoàn nhà trường, thầy luôn quan tâm đến việc tổ chức thi đua và chăm lo đến hoàn cảnh gia đỉnh của từng giáo viên trong trường. Sau 4 năm gắn bó với Trường cấp III Đồng Lộc, thầy Nguyễn Đăng Ái về nhận công tác tại Trường sư phạm 10 + 3 (Trường Cao Đẳng sư phạm Nghệ Tĩnh). Ngoài những giờ lên lớp, thầy còn tham gia biên soạn tài liệu phục vụ cho học sinh học tập, tiếp cận môn Toán. Nhìn những cuốn “Tạp chí Toán học”, đã thấy được phần nào công việc của thầy. Năm 1983 thấy “bén duyên” với công tác quản lý trên cương vị Phó trưởng phòng giáo dục Thị xã Hà Tĩnh.

            Là một người có 12 năm giảng dạy ở những trường điểm, vùng khó khăn, những năm tháng đó đã giúp thầy rất nhiều trong công việc mới. Năm 1991 Trường Năng khiếu Hà Tĩnh được thành lập, thầy giáo Ái về tiếp quản nhà trường với một vốn liếng ban đầu rất ít ỏi. Con người quả cảm này đã đặt những viên gạch đầu tiên “khai sơn phá thạch” trong 10 năm để hôm nay trường đã có một môi trường sư phạm toàn diện với đội ngũ giáo viên 100% có trình độ Đại học, 6 trong số 42 thầy cô có trình độ thạc sĩ cùng nhiều gương mặt học sinh tiêu biểu cho trí tuệ Việt Nam. Thầy giáo Ái tâm sự: “Lúc mới thành lập, Ban giám hiệu chỉ mới có mình tôi – quyền hiệu trưởng, vừa đá bóng, vừa thổi còi, trường lớp phải đi mượn. Sau 3 năm chúng tôi được “thừa kế” cơ sở của Trường cao đẳng Sư phạm Hà Tĩnh.

            Là một trường năng khiếu, thầy phải giỏi. Đội ngũ giáo viên của thầy Ái chủ yếu được chọn từ các trường cấp III khác trong toàn tỉnh. Thành công đầu tiên cũng là quan trọng nhất của thầy giáo Ái là việc tập hợp được đội ngũ giáo viên với sự giúp đỡ nhiều mặt của chính quyền sở tại. Đối với học sinh của Trường Năng khiếu Hà Tĩnh, thì đây là những học sinh tiêu biểu của toàn tỉnh. Việc phát triển tài năng, định hướng đào tạo đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với học sinh ở xa đến, phải có một môi trường tốt để các em hòa nhập với không khí học tập của trường. Không để bất kỳ một cá nhân học sinh nào làm ảnh hưởng đến không khí học tập. Để có được điều đó, hàng năm nhà trường tổ chức các kỳ thi kiểm tra chất lượng để đánh giá đúng thực lực của các em. Thầy giáo Ái nói: “Quan trọng nhất là phát hiện năng khiếu, mỗi em có một sở trường riêng”. Phải đi từ lòng đam mê của các em”. Trên một mặt bằng 400m² với 6 hệ chuyên ban cho 15 lớp, theo thầy giáo Ái thì “Chưa đủ đáp ứng nhu cầu dạy học của nhà trường. Quy mô này so với trường chuyên ban khác thì rất khiêm tốn. Vừa qua nhà trường đã có một dự án do Chính phủ Thái Lan giúp đỡ với tổng kinh phí 4 tỷ đồng đã trang bị được 1 phòng vi tính có 20 máy, một phòng luyện âm cho 40 học sinh và 3 phòng thực hành Lý – Hóa – Sinh”.

            Trong bài tính chiến lược phát triển nhà trường, thầy giáo Ái đặt ra cho mình một câu hỏi: Làm thế nào để mở rộng quy mô đào tạo để rồi đây, trong cuốn “Toán học và Tuổi trẻ” không chỉ dừng lại ở những em học sinh: Đặng Thị Hồng Minh, Lê Huy Bình với “Lời giải hay nhất”, trong các giải thi thơ không chỉ là Đặng Thu Hải, Hương Trà, Thu Hằng, và sẽ có thêm nhiều “Phan Mạnh Tân” tự tin, bản lĩnh đặt ngôi sao may mắn… khẳng định vị thế của nhà trường, của tập thể thầy cô giáo.

            Đến với ngành từ năm 1971, 30 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, giờ đây trên cương vị là người gieo mầm cho những tài năng trẻ, thầy giáo Nguyễn Đăng Ái vẫn còn nhiều dự định lớn lao hướng cho con chim đầu đàn của ngành giáo dục Hà Tĩnh tiếp tục bay cao, bay xa trên con đường của mình. Năm năm liền (1995-2000) đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, năm 2000 thầy Nguyễn Đăng Ái được nhà nước phong tặng Nhà giáo Ưu tú. Danh hiệu này làm phong phú thêm những phần thưởng mà trước đó thầy đã có: Huy chương Vì thế hệ trẻ, Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục và nó như một nguồn động viên giúp thầy tự tin với những bước đi sắp tới của mình.

            2. Bài thơ “Chuyện về một con tàu”,  sáng tác bởi cô Đậu Thị Thương, Cựu học sinh Văn khóa 1.

CHUYỆN VỀ MỘT CON TÀU

(Nhớ về thầy hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ái và những thầy cô giáo đầu tiên của trường Chuyên Hà Tĩnh)

“Thuở ấy” … Câu chuyện xưa về một người thuyền trưởng

Lái con tàu vượt sóng rẽ trùng dương

Con tàu nhỏ, con tàu đơn sơ lắm!

Thăm thẳm biển xanh hồn lại khát bến bờ.

Những ngày đầu sao vất vả cam go

Đứng cạnh anh là những người thủy thủ

Họ sát cánh nói một lời một giọng

Mắt hướng sao trời mải miết sải tay bơi.

Câu chuyện xưa còn có biết bao người

Lữ khách phương xa cập bờ chen bước

Náo nức vô tư khách đi về phía trước

Kí ức con tàu nằm mãi giữa trang thơ.

Câu chuyện xưa và câu chuyện bây giờ

Thuyền trưởng xưa tóc thầy giờ đã bạc

Con tàu xưa đã vượt bao ghềnh thác

Thủy thủ người còn người đã hóa mây trôi…

Tàu vẫn đi về phía mặt trời

Lữ khách năm xưa – học trò nhỏ chúng tôi

Quay trở lại tiếp sức làm thủy thủ

Đưa con tàu tiếp những chuyến xa khơi

Mới hiểu vì sao giờ biển mặn mòi

Trong hơi gió mồ hôi và nước mắt

“Kiệt cùng tài hoa, tận cùng đạo đức”

Thời trẻ trai đã vắt kiệt dâng đời

Câu chuyện xưa về một người thuyền trưởng

Cùng thủy thủ đoàn trong những chuyến đi xa

Lữ khách năm xưa học trò nhỏ chúng ta

Xin kể mãi chuyện con tàu năm ấy…

            3. Bài viết về Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ái của thầy giáo Bạch Hưng Phú – Nguyên giáo viên Sinh học trường THPT Chuyên Hà Tĩnh.

            Mấy tuần nay tôi liên tục nhận được các cuộc gọi của học sinh mời về dự lễ kỉ niệm 20 năm ngày ra trường. Nhớ lại cách đây 20 năm, tôi xin đăng bài viết của tôi về thầy Hiệu trưởng đầu tiên của trường chuyên Hà Tĩnh, anh Nguyễn Đăng Ái.

            Thầy Hiệu trưởng đầu tiên của trường Chuyên Hà Tĩnh là anh Nguyễn Đăng Ái. Gia đình anh Ái gốc ở xã Đức Bình, huyện Đức Thọ. Anh sinh ngày 25 tháng 10 năm 1950 ở tỉnh Khón Kèn, Thái Lan và gia đình anh về nước theo diện Việt kiều vào những năm 60 của thế kỉ trước. Hiện gia đình anh còn giữ được giấy khai sinh của anh do chính quyền Thái Lan cấp. Dịp năm 1997 khi chúng tôi sang Thái Lan công tác anh có về thăm quê cũ nơi anh sinh ra.

            Năm 1964 anh Ái thi đậu vào trường cấp 3 Phan Đình Phùng, sau đó anh lại thi đậu và vào học ở lớp chuyên Toán của Trường Đại học Tổng hợp Hà nội, nay là Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Có thể nói anh là một trong những học sinh đầu tiên của tỉnh ta vào học ở trường chuyên, tất nhiên anh học rất giỏi. Tốt nghiệp đại học Tổng hợp Hà nội anh về dạy học ở trường Sư phạm của tỉnh, trường cấp 3 Đồng Lộc, Cẩm Xuyên… rồi sau đó về Phòng giáo dục Thị xã Hà Tĩnh.

Tôi với anh Ái biết nhau từ những năm 1980 khi cùng đi dạy bồi dưỡng thi Đại học, sau đó tôi với anh cùng về công tác ở phòng giáo dục Thị xã Hà tĩnh và anh là phó trưởng phòng giáo dục. Chia tỉnh, năm 1991 chúng tôi cùng về công tác ở trường chuyên. Hồi đó Sở giáo dục muốn một giáo viên toán ở Đức Thọ vào trường làm quản lý, nhưng vị này vào trường ít ngày thấy khó khăn quá bèn lui quân. Các bạn hãy tưởng tượng, gọi là trường Năng khiếu của tỉnh nhưng cơ sở vật chất là số không: văn phòng, lớp học, nhà nội trú…tất cả đều phải nhờ trường Phan Đình Phùng. Trường mới thành lập rất khó khăn nhưng anh đã cùng đội ngũ giáo viên vượt qua tất cả để đưa trường ta trở thành một trường chuyên có thương hiệu trên toàn quốc. Nhớ lại những ngày đó thật gian khổ mà vui, tôi với anh đi khắp nơi để mời các giáo viên giỏi về trường. Ra Vinh, Đức Thọ, vào Kỳ Anh, ra Can Lộc, Thạch Hà, rồi lại sang trường Phan Đình Phùng. Ở đâu có các giáo viên thực sự giỏi là chúng tôi đi mời họ về trường. Buổi khai giảng tôi trang trí ở phông dòng chữ “LỄ KHAI TRƯỜNG”, anh xúc động lên đọc bài diễn văn khai trường… thấm thoắt đã gần 30 năm.

            Nói về anh Ái phải nói đến sự thông minh, nhanh nhẹn, tháo vát của anh. Chính nhờ sự tham mưu kể cả chạy vạy tích cực của anh mà sau một thới gian ngắn trường xây được một ngôi nhà 3 tầng 9 phòng học trong khuôn viên trường Phan Đình Phùng và sau đó được tiếp quản cơ sở vật chất của trường sư phạm, rồi xây một cơ sở mới khang trang ở Thạch Trung ngày nay. Khó khăn nhất ngày đó vẫn là những năm đầu cho học sinh đi thi học sinh giỏi quốc gia. Chúng tôi là giáo viên giỏi nhưng thực sự không nắm được thi học sinh giỏi người ta thi cái gì? Thế là các thầy phải rủ nhau ra Phan Bội Châu Nghệ An, ra Hà Nội gặp gỡ các chuyên viên của Bộ tìm hiểu, mời các giáo viên giỏi có kinh nghiệm về dạy cho học sinh. Có năm 27 tết âm lịch chúng tôi vẫn còn ở Hà Nội. Dịp đó người Hà Tĩnh còn chưa biết chơi đào, chúng tôi xuống Nhật Tân chọn những cành đào nào hoa nhiều và nở rộ nhất thì mua. Xe về đến Hà Tĩnh thì đào chủ yếu còn..lá mà thôi. Ngay từ năm đầu tham gia thi học sinh giỏi quốc gia trường ta đã giành rất nhiều giải cao. Văn 9, Văn 12, Toán 9, Toán 12 rồi Sinh 12, Hóa , Lý 12 ta đều giành nhiều giải cao. Kết quả thi Đại học trường ta cũng luôn luôn là tốp đầu các trường chuyên trong cả nước…Trường chuyên Hà Tĩnh trở thành địa chỉ thu hút hầu hết học sinh giỏi trong cả tỉnh.

            Những năm đầu mới thành lập trường ta có cả các lớp 8,9 của hệ Trung học cơ sở. Hệ chuyên chỉ có hai môn văn và toán với mỗi lớp xấp xỉ 30 học sinh. Ban giám hiệu lúc đó chỉ có một mình anh Ái. Dịp đó hầu như anh ở lại trường để làm việc suốt cả ngày đêm. Tính anh cẩn thận, mọi việc anh đều ghi chép vào sổ sách nên không sai sót việc gì. Làm hiệu trưởng không trực tiếp giảng dạy nhưng anh rất sâu sát và thân mật với học sinh. Các thế hệ học sinh đều xem anh như người cha, người anh thân thiết. Anh thuộc tên hầu hết các học sinh và biết rõ năng lực của từng em. Cuộc vui nào trong trường cũng có mặt anh, anh hô to lắm, nhưng tôi biết anh không biết uồng rượu, bia. Làm hiệu trưởng không những anh dành thời gian cho công tác chuyên môn mà anh còn lo lắng cho đời sống gia đình các cán bộ giáo viên trong trường. Anh gặp các tổ chức xin đất cho giáo viên, Những giáo viên có vợ, chồng công tác ở xa anh đều tìm mọi cách để sở chuyển cho về thị xã Hà Tĩnh làm việc. Có giáo viên, vợ mới ra ngành chưa có kinh nghiệm chuyên môn gì anh cũng xin bằng được sở cho về giảng dạy ở thị xã Hà Tĩnh để chồng an tâm công tác.

            Trong các trường THPT thì trường chuyên ta là trường giáo viên được đi tham quan du lịch nhiều nhất. Hè năm nào trường cũng tổ chức đi du lịch, khi thì Hạ Long, khi Sa Pa, Vũng Tàu, Phú Quốc…đợt dài ngày nhất là chúng tôi đi Thái Lan theo chương trình tài trợ của bạn, thầy trò ở đất Thái tới gần một tháng. Đi đâu tôi anh Ái anh Lữ cũng thường ở chung phòng với nhau thân mật như anh em. Tính anh Ái hay đói nên cuộc đi nào anh cũng chuẩn bị rất đầy đủ thức ăn nước uống và chẳng ai lo đói khi đi cùng anh. Với anh chỉ có ăn thêm bữa chứ không bỏ bữa. Tôi nhớ vào khoảng năm 2008 anh và tôi đi khám sức khỏe định kì do Ban báo vệ sức khỏe của Tỉnh ủy tổ chức, bác sĩ cứ nghi ngờ khi siêu âm cái ổ bụng cùa anh, anh băn khoăn lắm. Sau đó anh vào viện kiểm tra lại cũng không phát hiện ra vấn đề gì. Anh vốn đau dạ dày nhưng đã thôi rồi nên tôi và anh đều nghĩ chắc là một cái gì đó như vết sẹo ở dạ dày thôi. Không ngờ, sau vài năm về hưu cái nghi ngờ băn khoăn đó lại chính là khối u ở gan. Anh đi chữa ở Hà Nội, Xanh-ga-po,…nhưng cái u ở vị trí tử địa của gan nên anh không qua khỏi. Anh mất tại gia đình ngày 05 tháng 7 năm 2014 trong niềm thương tiếc vô hạn của gia đình, người thân bè bạn và các thế hệ học sinh.

            Anh Nguyễn Đăng Ái là Nhà giáo Ưu tú và anh đã được nhà nước tặng Huân chương lao động hạng 3. Vợ chồng anh có 3 con gái hiện đều có gia đình, nghề nghiệp ổn định và sinh sống ở Hà Nội. Các con anh đều thành đạt, nhà cửa khang trang…

Ban biên tập CLB News Team – 8/2021

You may also like...