Nhà giáo ưu tú, thầy giáo Hoàng Ngọc Cảnh

Có một người thầy gắn bó với trường Chuyên Hà Tĩnh từ những ngày đầu thành lập. Có một người thầy luôn tận tụy, cần mẫn để chăm lo cho học sinh. Có một người thầy luôn được các thế hệ học sinh và đồng nghiệp nhắc đến như tấm gương mẫu mực. Có một người thầy dù đã đi xa nhưng luôn để lại trong lòng chúng ta biết bao nhiêu lưu luyến, tiếc thương. Đó chính là thầy giáo – NGƯT Hoàng Ngọc Cảnh, nguyên phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh.

Chuyên mục hôm nay xin gửi tới bạn đọc hai bài viết cũng là những tình cảm chân thành của rất nhiều thế hệ học sinh gửi tới thầy Cảnh.

**Bài viết “Thầy Hoàng Ngọc Cảnh – người thầy nhiều dấu ấn trong tôi”, của thầy Lê Phi Hùng, Phó hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hà Tĩnh.

Tôi học với thầy Cảnh lần đầu tiên khi tôi được gọi vào học tập trung đội dự tuyển môn Toán dự thi Quốc gia năm học 1991 – 1992. Trong tâm thức của tôi – một cậu học trò lớp 9 lúc đó – những tiết dạy của thầy thật cuốn hút và ấn tượng. Tiếc rằng tôi đã không được học thầy nhiều hơn nữa. Năm học đó cũng là năm thành lập trường, tôi cũng có giấy gọi vào nhập học. Vì hoàn cảnh gia đình, tôi đã không có cơ hội được làm học trò của thầy và của mái trường này. Và biết đâu, cơ hội đó sẽ làm thay đổi cuộc sống của tôi sau này.

Tôi vẫn còn nhớ năm đó thầy còn trẻ và rất vui tính. Lần đầu tiên vào nhập học ở một môi trường hoàn toàn xa lạ, tôi vẫn còn đôi chút bỡ ngỡ. Nhưng chính thầy đã xóa nhòa khoảng cách đó trong tôi. Sự nhiệt tình, say mê trong từng bài giảng đã cuốn hút chúng tôi ngay từ lúc đầu tiên bước chân đến trường. Thầy không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn chú tâm dạy cho chúng tôi các kỹ năng trình bày lời giải. Chúng tôi thường bị thầy chê lỗi trình bày “nhiêu khê”, và từ này về sau đã trở thành một từ đặc trưng khi nhớ đến thầy. Học thầy, tôi thấm thía một điều rằng, với mỗi bài toán, đáp số đúng chưa phải là tất cả, mà còn phải thể hiện tư duy mạch lạc, ngắn gọn, rõ ràng. Cũng như xem một trận bóng, những đường bóng hay, những pha bóng đẹp có khi còn quan trọng hơn tỉ số trận đấu. Cứ như thế, thầy bắt đầu nhen nhóm lên trong chúng tôi niềm đam mê toán học.

Thời gian trôi đi, khi được về công tác tại trường, người mà tôi “quen” nhất lúc đó cũng là thầy Cảnh. Nhận được quyết định của Sở về giảng dạy ở trường Năng khiếu tôi đã rất mừng nhưng cũng nhiều nỗi lo âu. Điều mừng thứ nhất là tôi được về công tác tại một môi trường sư phạm tốt nhất của tỉnh và điều mừng thứ hai là được gặp lại thầy Cảnh – người thầy để lại những ấn tượng sâu sắc trong tôi. Và lần này, tôi lại được làm đồng nghiệp của thầy. Nỗi lo thường trực khi đó là không biết mình có thể giảng dạy học sinh, đảm đương được những công việc mà thầy và các thầy cô giáo khác đang làm hay không? Tôi đã may mắn nhận được sự động viên, chỉ bảo, những uốn nắn tận tình của thầy để tôi lớn dần lên trong nghề nghiệp. Vẫn là thầy với những thẳng thắn trong chuyên môn, sự tận tụy với học sinh và cả những đam mê trong việc tìm lời giải những bài toán khó làm tôi rất cảm phục. Chúng tôi đã được chiêm ngưỡng “kho báu” của thầy, đó là một gian nhà đầy sách vở và tài liệu quý, những quyển sách tiếng Nga, tiếng Anh, những quyển vở thầy ghi chép từ rất lâu và vô số các đề thi thầy sưu tập được. Một số tư liệu quan trọng, thầy đã cho chúng tôi mượn xem hoặc sao chép làm “của để dành”. Chúng tôi hiểu, để có được những nguồn tư liệu đó và sử dụng nó một cách hữu ích, thầy đã rất dày công biên dịch, phân loại và phát triển, mở rộng nữa. Không phải ai, không phải người thầy nào cũng làm được như thế.

Với các thế hệ học sinh của trường Năng khiếu, nhất là các thế hệ học sinh chuyên Toán chắc không ai quên được thầy. Thầy để lại trong các học trò hình ảnh một người thầy mẫu mực, ấm áp, luôn yêu quý học trò. Ấn tượng về thầy là cả những bài toán thách thức mà họ không thể nào quên. Những năm thầy làm chủ nhiệm đội tuyển dự thi Quốc gia thì đó thường là những năm đội tuyển thành công nhất. Các em học sinh luôn có một niềm tin tuyệt đối với thầy. Tôi hiểu, thầy đã truyền lửa đam mê toán học cho các em. Sau mỗi kỳ thi, thầy yêu cầu các em phải làm lại bài để thầy chấm và đánh giá kết quả có thể đạt được. Thầy còn dành rất nhiều thời gian để giải lại toàn bộ đề thi, viết những bài phân tích, nhận xét có giá trị. Những học sinh đem về vinh quang nhất cho trường ta cũng là những học trò cưng của thầy, đã được thầy ân cần dạy dỗ. Đó là Trịnh Kim Chi chuyên Toán khóa 5, là Phan Mạnh Tân chuyên Toán khóa 8, là Lê Nam Trường chuyên Toán khóa 13… và nhiều học sinh khác nữa.

Đối với tôi cùng những đồng nghiệp, thầy là tấm gương rất đáng noi theo. May mắn của chúng tôi là đã được chứng kiến những gì thầy đã làm, được dự những giờ mẫu của thầy để học hỏi và còn được học từ những trao đổi chuyên môn với thầy. Thầy như ngọn núi Thái Sơn trong môn Toán của chúng tôi nhưng lại rất gần gũi và sẵn sàng tranh luận thẳng thắn về một vấn đề chuyên môn nào đó. Chúng tôi luôn coi đó là những kỷ niệm đẹp và là những bài học mà vinh dự được nhận từ thầy. Hơn nữa, thầy là người có nhiều bài viết có giá trị, là cộng tác viên của báo Toán học & Tuổi trẻ và là một trong những người luôn đi đầu trong việc nghiên cứu khoa học, đúc rút kinh nghiệm của tỉnh nhà. Khi tôi đang viết những dòng này, thầy đang bị ốm. Ngày biết tin thầy mắc bệnh nặng, chúng tôi, cả trường tôi và rất nhiều người nữa rất đỗi bàng hoàng. Các thế hệ học trò đã đến thăm nom, động viên thầy, dành cho thầy những tình cảm chân thành nhất. Điều mà mọi người cảm thấy được an ủi đó là tinh thần lạc quan của thầy, lạc quan ngay cả trong những lúc khó khăn nhất. Và cho dù ở đâu, thầy vẫn luôn dành sự quan tâm đến nhà trường, đến chúng tôi, đến các em học sinh yêu quý cũng như tất cả mọi người.

Rất nhiều thế hệ học sinh và giáo viên của trường đã và đang cầu mong sức khỏe của thầy được trở lại bình thường, để thầy lại được đến trường hàng ngày. Thầy sẽ bên cạnh và giúp đỡ chúng tôi tiếp tục phát huy được những truyền thống của tổ Toán, của nhà trường. Thầy lại đưa những đam mê của mình truyền vào những thế hệ học sinh như thầy đã từng thành công ở những khóa trước.

Phòng học, sân trường mấy tháng nay cũng đã ít thấy bóng dáng thầy. Cũng từng ấy thời gian chúng tôi không được sinh hoạt chuyên môn và trao đổi mọi điều trong cuộc sống cùng thầy. Thật là một khoảng trống mênh mông!

Hà Tĩnh, tháng 8-2011(Bài đã đăng trong kỷ yếu 20 năm thành lập trường).

**Bài viết “Nỗi nhớ thầy tôi – NGƯT Hoàng Ngọc Cảnh” của cô giáo Thái Thanh Huyền và các bạn cựu học sinh chuyên Toán – Văn Khóa 3.

Chúng tôi trở về mái trường xưa, nơi những năm tháng chúng tôi đã lớn lên, trưởng thành. Ngôi trường cũ nằm im lìm nơi góc đường Đặng Dung, bây giờ đã rêu phong, nhuốm màu thời gian. Cây bàng năm cũ, lớp học đơn sơ, những ô cửa, bảng đen, phấn trắng, dãy hành lang dài lặng lẽ, những bậc cầu thang, nhà nội trú… Nơi đây đã in dấu biết bao kỉ niệm hoa mộng thuở học trò, nơi đây đã có biết bao sự gặp gỡ rồi chia li, ra đi và trở về, nhưng cũng có những cuộc đời, những con người đã ra đi mãi mãi, như thầy tôi, thầy giáo Hoàng Ngọc Cảnh, người thầy vô cùng kính yêu của chúng tôi. Gần ba mươi năm đã qua, kể từ ngày chúng tôi xa thầy đi khắp nơi để lập nghiệp, cũng đã mười năm thầy rời xa cõi tạm, nhưng những kí ức về thầy, chúng tôi còn nhớ mãi.

Trong ký ức của lũ học trò chúng tôi, những thế hệ đầu tiên của trường Năng khiếu Tỉnh, Thầy Cảnh như một người cha thứ hai. Hồi đó, những đứa trẻ lơ ngơ rời các vùng quê nghèo lên thị xã học, coi trường lớp cũng là nhà, thầy cô là cha mẹ. Những năm ở kí túc xá, thầy và cô dạy bảo chúng tôi như những đứa con của thầy cô, từ các môn học cho đến cách đối nhân xử thế. Không những có tài, mà quan trọng hơn thầy còn rất tâm huyết với học sinh, thầy có thể ngồi với chúng tôi suốt cả ngày vì một bài toán hóc búa. Tình yêu và niềm đam mê toán học được nhen lên trong chúng tôi từ chính niềm say mê ấy của thầy. Bạn Lê Thái Phong, lớp trưởng lớp Toán K3 kể lại: “Hồi còn ở nội trú giấy dầu ở trong khuôn viên trường Phan Đình Phùng, thầy trò ở rất gần nhau, nhiều khi ăn chung trong bếp ăn dì Hùng. Có lần đang ăn cùng thầy, bàn luận về một bài toán khó, vì không sẵn bút giấy, hai thầy trò ra giữa sân trường, lấy cành cây, đá nhọn làm bút, viết vẽ hình lên trên nền đất để giải bài Toán, quên cả ăn”. Hồi học lớp 9, hai lớp Toán – Văn không có phòng học riêng, phải học chung một thời gian, thầy Cảnh dạy Toán, chia bảng ra làm hai, nửa bên này lớp Văn, nửa bên kia lớp Toán. Những cô bé chuyên Văn năm ấy mở to đôi mắt ngưỡng mộ, trầm trồ khi lần đầu tiên trong đời nhìn thấy một người thầy vẽ hình tròn không cần compa, vẽ hình học không gian vừa nhanh vừa đẹp, điêu luyện, thuần thục như một nghệ sĩ trên bục giảng.

Không chỉ là ở trên lớp mà cả trong cuộc sống thường ngày, chúng tôi coi nhà thầy như nhà mình. Chúng tôi nhớ rất nhiều lần đêm đã khuya vẫn gõ cửa nhà thầy để xin xem bóng đá. Chúng tôi nhớ những năm học lớp 9, hồi đó lớp học là một nhà lá dựng tạm cho lớp Toán và lớp Văn, còn thầy với em Thái ở trong một phòng tập thể nhỏ xíu bên cạnh. Tối mùa đông mưa phùn, gió rét, bóng điện tù mù không đủ ánh sáng để học, nhưng cả thầy và trò đều không quan tâm nhiều đến sự thiếu thốn về vật chất ấy, vẫn luôn say sưa giải toán. Tài liệu hồi đó cũng không có nhiều, nhưng thầy luôn sưu tầm được những đề Toán hay của nước ngoài. Chúng tôi hồi ấy đã được trải nghiệm với những bài Toán tiếng Nga trong những cuốn sách cũ kĩ giấy ố vàng. Chúng tôi thường nói đùa đó là “bí kíp chân truyền” thầy luôn giữ như là báu vật. Thầy Cảnh đã truyền cho chúng tôi niềm say mê toán học từ những tháng ngày gian khó ấy. Sau này, có lần thầy chia sẻ: “Muốn truyền được đam mê cho học sinh trước hết mình phải đam mê. Những bài Toán học sinh không làm được tôi quyết tâm giải trong một thời gian ngắn nhất để trả lời trước học sinh. Thực tế có những bài Toán mình phải mất ăn, mất ngủ và tốn rất nhiều thời gian. Song tôi ít khi chịu khuất phục. Hình như mình cứ lặng lẽ âm thầm làm cái công việc mà mình tự nguyện vì nó, chẳng kêu ca phàn nàn gì. Cứ như thế, tôi đã để lại ấn tượng tốt trong học sinh, phụ huynh đồng nghiệp, để lại niềm tin cho nhiều thế hệ”. Thầy chúng tôi là thế, càng tài năng bao nhiêu, thầy càng khiêm tốn, đức độ bấy nhiêu, thầy luôn coi học trò là bạn, trân trọng học trò hết mực. Thầy hiểu được rằng, có rất nhiều em học sinh cực kì thông minh, trí tuệ rất xuất chúng, có thể giải được bài Toán thầy chưa giải được, hay có thể phát hiện ra những sai lầm tinh vi trong cách giải của thầy…Thầy nói rằng, để làm một người thầy tốt, luôn cần phải công nhận học sinh và phải làm sao nâng cao trình độ của mình, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của các em. Đó cũng là bài học đắt giá thầy để lại cho các thế hệ giáo viên về sau, nhất là những người thầy trót đam mê với bộ môn Toán học.

Không chỉ là một nghệ sĩ đầy đam mê, sáng tạo trên bục giảng, thầy còn là một nghệ sĩ trong cuộc sống đời thường. Nhớ thầy, chúng tôi không quên cả những thói quen, những thú vui nho nhã của thầy khi thầy còn sống. Đằng sau tâm hồn toán học của thầy còn là một tâm hồn nghệ sĩ. Sau những giờ học Toán căng thẳng, thầy lại ôm cây đàn ghi-ta và hát cho chúng tôi nghe những bài hát ngày xưa. Thầy thuộc rất nhiều bài hát, những bài hát lãng mạn thời tiền chiến như Thu quyến rũ, Hướng về Hà Nội… hay những bài hát dân ca vui tươi: “Lên chùa bẻ một cành sen, lên chùa bẻ một cành sen/Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng/ Ba bốn cô có hẹn cùng trăng, có bạn cùng trăng…?”. Thầy cũng thường cùng học trò và đồng nghiệp đánh bóng bàn sau mỗi giờ lên lớp. Chúng tôi vẫn cứ nhớ mãi vóc dáng cao gầy, mảnh khảnh của thầy, lúc đánh bóng bàn, mái tóc thầy đen nhánh, rủ rủ xuống trán, thỉnh thoảng thầy lại hất lên, vuốt ngược ra sau, rất nghệ sĩ.

Nhưng cuộc đời vẫn quá vô thường, và những người tài hoa lại thường mệnh bạc. Chúng tôi còn nhớ, vào ngày kỉ niệm 15 năm thành lập trường năm 2006, những thế hệ học sinh năm xưa về tề tựu, vẫn còn nghe tiếng nói ấm áp của thầy trong bài diễn văn khai mạc đêm văn nghệ chào mừng 15 năm thành lập trường chuyên Hà Tĩnh: “Cách đây 15 năm, một sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị của nhân dân Hà Tĩnh là sự tái lập tỉnh, mọi người tự muôn phương đổ về nơi đây, một thị xã nghèo nàn, bị lãng quên. Người người háo hức nghĩ về một Hà Tĩnh trong tương lai, một Hà Tĩnh của thời đổi mới. Trong muôn vàn khó khăn, bề bộn của những ngày đầu tách tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhà vẫn quyết tâm thành lập một trường Chuyên trên đất học Hồng Lam. Trường Năng khiếu tỉnh Hà Tĩnh được ra đời trong hoàn cảnh đó, cho đến hôm nay trường đã tròn 15 tuổi, 15 năm thời gian đủ để một em bé cất tiếng khóc chào đời, lớn lên, trưởng thành, rồi lại bước vào cổng trường Chuyên…”

Thế mà, ngày thành lập trường 20 năm, chúng tôi trở về, bàng hoàng nghe tin thầy ốm nặng. Thầy nằm đó, gầy guộc, bé nhỏ trên chiếc giường cũ. Nhiều thế hệ học trò đã đến thăm thầy, nói chuyện với thầy, chúng tôi lặng đi trước những cơn đau của thầy. Trong những ngày tháng cuối cùng đấu tranh với tử thần, có những lúc thầy vẫn lạc quan, vẫn nở nụ cười ấm áp, hi vọng. Nhưng chúng tôi biết có nhiều lần khác, thầy đã khóc, giọt nước mắt đau đớn, bi quan, tiếc thương cho sự sống mong manh của mình. Chúng tôi đã từng nguyện cầu có một phép màu nào đó để thầy tôi được khỏe lại, để đi tiếp ý con đường ý nghĩa của mình. Nhiều thế hệ học sinh đã ghi lại trong một cuốn sổ gửi đến thầy những câu thơ, những lời động viên chia sẻ, và cả những lời khẩn cầu thiết tha…

Nhưng phép màu đã không đến, thầy đã mãi mãi ra đi vào một ngày mùa đông lạnh giá năm 2011. Con trẻ bàng hoàng, đồng nghiệp xót xa, bục giảng bơ vơ, bảng đen ngơ ngác. Ngày đám tang thầy, không phải ai trong chúng tôi cũng trở về đưa tiễn thầy được, mỗi đứa một phương, hoàn cảnh nhiều lúc không cho phép. Những đứa con ở xa vẫn luôn mang trong lòng một nỗi ân hận, một nỗi day dứt khôn nguôi. Thương thầy nhiều lắm nhưng cũng chỉ biết lặng lẽ mà thôi.

Sau nhiều năm ra trường, chúng tôi trở về, đến thắp cho thầy một nén nhang để thầy luôn hiểu rằng, dù đi đâu xa chúng tôi vẫn luôn nhớ về thầy, người thầy đầu tiên đã dạy dỗ và giúp chúng tôi lớn lên, trưởng thành như ngày hôm nay. Ngôi nhà của thầy bao năm rồi vẫn thế, giản dị vô cùng. Cô Châu, người vợ yêu thương của thầy chỉ cho chúng tôi xem tủ sách ngày xưa. Từng cuốn sách, từng trang giáo án thầy vẫn mang lên dạy cho chúng tôi, tất cả vẫn còn nguyên vẹn. Chạm vào những trang sách cũ, những dòng chữ cũ, ký ức lại rưng rưng…

Giờ đây, thầy đang nằm yên nghỉ trên quê hương của mình, một ngọn đồi ở xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ. Ở đó, đồi núi hoang sơ trập trùng, bên sườn đồi hoa rừng vẫn nở, trên những tán cây quanh năm chim hót, bình yên và thư thái như cách thầy đã sống trong cuộc đời này: cống hiến, tận tụy và hi sinh để làm đẹp cho cuộc đời, để chắp cánh cho chúng tôi được bay đi đến với những chân trời cao rộng. Và chúng tôi tin, ở bên kia thế giới thầy đang mỉm cười vì nhìn thấy chúng tôi đã trưởng thành. Bởi có lẽ, đối với thầy, không có gì hạnh phúc hơn khi nhìn thấy các thế hệ học sinh lớn lên, đạt được ý nguyện của mình, trở thành những con người có ích. Nỗi nhớ về thầy sẽ đi cùng năm tháng trong suốt cuộc đời mỗi chúng tôi như những gì máu thịt thiêng liêng.

You may also like...