THẦY ĐINH NHO KIỂU – NGƯỜI TRONG CÕI NHỚ

Trong ba mươi năm gian khó và thành công của trường Chuyên Hà Tĩnh luôn có những tấm gương tận tụy, mẫu mực, gắn bó cả cuộc đời mình với bục giảng, với mái trường. Những con người ấy đã để lại trong lòng biết bao thế hệ học sinh những niềm cảm phục kính trọng và cả những niềm thương tiếc khôn nguôi. Một trong những người thầy để lại dấu ấn sâu sắc trong nhiều thế hệ chuyên Toán, chuyên Lý đầu tiên của trường THPT Năng khiếu Hà Tĩnh ngày ấy là thầy Đinh Nho Kiểu, người đã phụng hiến và hy sinh hết mình cho sự nghiệp trăm năm trồng người, cho tương lai của nhà trường và các thế hệ học sinh.

Chuyên mục hôm nay xin giới thiệu bài viết của một cựu học sinh, đồng thời cũng là giáo viên của Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh – cô giáo Thái Thanh Huyền. Bài viết với tựa đề “Thầy Đinh Nho Kiểu – Người trong cõi nhớ”, từng được đăng trong Kỷ yếu hai mươi năm thành lập trường.

THẦY ĐINH NHO KIỂU – NGƯỜI TRONG CÕI NHỚ

Tôi đứng tần ngần rất lâu trước cánh cổng sắt đã hoen rỉ, bạc màu thời gian ở cuối con đường Nguyễn Du. Ngôi nhà cũ kỹ, mang cái vẻ sầu muộn và ủ rũ bởi những tường loang lổ rêu xanh, góc sân nhỏ cũng đã nhạt phai màu của đất… Đã nhiều lần tôi bước chân vào ngôi nhà đó, và lần nào, Thầy cũng ra mở cửa đón chúng tôi bằng nụ cười hồn hậu, ấm áp. Nhưng ngôi nhà ấy, đã vắng bóng thầy Đinh Nho Kiểu hơn 7 năm nay rồi…

1. Thầy Đinh Nho Kiểu thuộc thế hệ giáo viên đầu tiên của trường Năng Khiếu Hà Tĩnh. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo bên dòng sông Ngàn Phố của xã Sơn Hòa – Hương Sơn – Hà Tĩnh, Thầy Đinh Nho Kiểu tự hào là người con của dòng họ Đinh Nho, một dòng họ nổi tiếng về học hành khoa cử. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh khoa Lý năm 1972, Thầy được giữ lại dạy ở Cao đẳng Sư phạm Vinh. Năm 1980, Thầy đỗ nghiên cứu sinh đi học ở Đức, nhưng cuối cùng đã không đi được vì một lời nhận xét không rõ ràng ở địa phương (?). Như cánh diều đang lên bỗng nhiên gặp lúc gió lặng, ước nguyện không thành bởi một lý do “không ai hiểu nổi”, Thầy buồn bã, lặng lẽ rời xa thành Vinh trở về quê, lại làm một ông đồ nghèo ở Trường cấp III Lê Hữu Trác.

Chị Đinh Nho Lam Hương, con gái của thầy Kiểu kể lại: Năm 1991, khi được điều về trường Năng khiếu, cha tôi đã băn khoăn, trăn trở rất nhiều vì lúc đó cha tôi đã hơn 50 tuổi. Ông nói với chị: “Gái sinh nở – Trai dời dinh cơ” nhưng cuối cùng ông vẫn quyết định đi vì nghĩ tới môi trường làm việc và tương lai con cái. Kỉ niệm về ngày đầu đến nhận công tác vẫn in hằn trong kí ức của chị Hương. Chị kể lại với tôi: “Đó là ngày 19 tháng 10 năm 1991, cha tôi và tôi rời Sơn Hoà trong mưa lũ, 2 ngày sau mới đến thị xã Hà Tĩnh vì tắc đường. Hầu hết tài liệu, sách vở đều ướt mèm. Tối đó, cha con tôi, o Lộc (Cô Nguyễn Thị Lộc – kế toán đầu tiên của trường) và chú Lữ (thầy Tống Trần Lữ) đều ngủ trên bàn lim, không màn, không chiếu. Không ai có thể quên được những bữa cơm nhóm bếp mất trọn một tiếng đồng hồ, cơm toàn sạn và thức ăn độc nhất là món tép khô. Những ngày tháng tiếp theo, khó khăn chồng chất khó khăn vậy mà những thầy cô đầy tâm huyết ấy vẫn bám trụ đến cùng. Hai mươi năm đã trôi qua, thành công nối tiếp thành công nhưng tất cả những giáo viên của năm học đầu tiên ấy đã không còn ai ở trường nữa. Một số chuyển công tác hoặc về hưu, hai người đã đi xa. Dẫu biết rằng ai cũng phải tuân theo quy luật tất yếu – cát bụi lại trở về với cát bụi – nhưng mỗi lần hội ngộ những giáo viên cũ, tôi lại thắt lòng vì nhớ cha tôi”.

Trong kí ức của tôi, một cựu học sinh chuyên Văn trường Năng khiếu Hà Tĩnh, Thầy Đinh Nho Kiểu vẫn hiện lên với dáng người gầy gầy cao cao, đôi mắt sâu và sáng, một sống mũi cao thẳng và thấp thoáng một nụ cười hóm hỉnh. Tôi nhớ rất rõ vì Thầy đã dạy môn Vật Lý lớp tôi đến những… 5 năm. Ngày đó, giờ học môn Lý không bao giờ nhàm chán bởi những câu nói “lạ tai”, những câu chuyện đúc kết triết lý sâu sắc của Thầy. Tôi không thể quên dáng đi nghiêng nghiêng của Thầy mỗi lần vào lớp, quyển sách vo tròn lại trong tay, có khi dắt ở túi quần. Thầy cầm cho có vậy thôi, chứ lúc dạy Thầy không cần đến sách giáo khoa, kiến thức đã nhuần nhuyễn cứ thế tuôn ra thôi. Học sinh lớp Văn, vốn lãng mạn, hay lãng…đãng, ít tập trung vào chuyên môn… Lý, nên cũng thường đặt ra những câu hỏi “bên lề” để nghe Thầy nói chuyện cho vui. Và không chỉ “cho vui” đâu, chúng tôi còn ngộ ra được rất nhiều điều từ những câu chuyện Thầy kể. Có lần, chúng tôi hỏi Thầy một câu rất chi là… không hợp tuổi: “Thầy ơi, đàn ông như thế nào thì được coi là người đào hoa?”. Và Thầy đã liệt kê ra bốn kiểu đàn ông dễ trở thành người đào hoa: Thứ nhất là đàn ông đẹp trai, thứ hai là có tài lẻ, như hát hay, chơi đàn giỏi, thứ ba là thông minh và thứ tư là có tài ăn nói. Bây giờ nghĩ lại, tự hỏi, thầy Kiểu vừa đẹp trai, vừa thông minh như vậy, có phải thời trai trẻ Thầy cũng từng có… số đào hoa? (Nhưng phải chăng, trời xanh vẫn thường hay ghen tị với những người tài hoa)…

2. Suốt cuộc đời, thầy đã sống một cuộc sống thanh cao và bần bạc. Dẫu không phải bon chen, không phải lụy mình để được sống đúng với tư chất một ông đồ xứ Nghệ, nhưng gặp phải thời buổi kinh tế khó khăn, Thầy đã phải lam lũ, vất vả làm thêm rất nhiều nghề để nuôi ba đứa con ăn học. Chỉ cho đến khi về dạy ở trường Năng khiếu, Thầy mới có thể sống với nghề và bằng nghề dạy học. Biết bao học trò chuyên Toán, chuyên Lý… qua các thế hệ đã nhớ mãi những tiết dạy của Thầy. Thầy biết cách thu hút học sinh tập trung vào bài giảng, lối truyền đạt giản dị mà dễ hiểu nên để lại ấn tượng sâu sắc với học sinh. Nhiều học sinh đã ngưỡng mộ Thầy như một người Thầy mẫu mực và đáng kính nhất.

Anh Bùi Tiến Sỹ, cựu học sinh chuyên Toán khóa 4 (hiện nay là giảng viên nghiên cứu viên của Học viện quân y, đang làm nghiên cứu sinh tại khoa dịch tễ học phân tử các mầm bệnh virus, viện Robert Koch, Berlin, CHLB Đức) xúc động kể lại rằng, Thầy Kiểu là người anh ngưỡng mộ và quý mến nhất quãng đời học sinh của mình. Dù theo học khối B để thực hiện ước mơ vào trường Y trở thành bác sĩ, học Lý không nhiều nhưng anh luôn bị thu hút bởi những tiết dạy của Thầy. Với anh, Thầy Kiểu không chỉ như người Thầy truyền đạt kiến thức mà còn là một người cha tận tụy, người bạn lớn rất thấu hiểu lẽ đời. Anh Sỹ nhớ lại một kỉ niệm khó quên với Thầy Kiểu: Năm học lớp 11, trượt đội tuyển toán 12 là một cú sốc của tôi với Hào, hai đứa chán nản không học lại hay nghịch phá. Thầy đã nói chuyện và động viên tôi với Hào tiếp tục học tập, dần dần 2 đứa cũng cân bằng lại và học nhiều hơn. Thầy rất thương Hào, vì biết bạn ấy hoàn cảnh rất khó khăn, nhà không đủ ăn, bố lại bị tâm thần. Thầy và chị Hương thỉnh thoảng lại cho bạn ấy tiền học. Sau này, tôi và Hào vào đại học học cùng một lớp, mỗi lần về hè, về Tết, đến chơi nhà Thầy, Thầy lúc nào cũng dặn dò là phải luôn giúp đỡ và trông chừng Hào. Lúc Thầy bị ốm nặng, nói rất khó khăn, nhưng Thầy vẫn gắng gượng hỏi han tình hình mỗi đứa. Kiến thức chưa phải là tất cả, Thầy còn dạy chúng tôi đạo làm người. Bây giờ mỗi lúc nghĩ đến Thầy, tôi lại chạnh lòng xót xa. Ân tình Thầy còn đó, những lời nói của Thầy còn đó mà Thầy đã đi xa…

Vâng, Thầy Kiểu đã ra đi, mãi mãi… Căn bệnh tâm phế mãn, hậu quả của sự lam lũ, nhọc nhằn suốt cuộc đời dạy học, đã chuyển thành căn bệnh ung thư phổi quái ác. Chưa kịp về hưu, Thầy đã phải rời xa bục giảng để điều trị ở bệnh viện. Những câu chuyện bị ngắt quãng bởi những cơn ho, rồi những lời dặn dò cuối cùng cũng không sao giữ lại được nữa… Một tháng trước khi mất, Thầy đã không thể nói vì khối u đã di căn sang dây thanh. Chị Hương đã không thể giấu được nỗi nghẹn ngào khi nhớ lại những ngày tháng ấy: “Cha tôi không biết bệnh tình thực sự của mình, ông vẫn tin là mình chưa thể ra đi nhanh như thế được, ông muốn nhìn thấy sự trưởng thành của cháu con, của những học trò mà người rất mực yêu quý và chăm chút. Thời gian cuối ở trong bệnh viện, cha tôi rất khó thở, nằm hay ngồi gì cũng khó khăn. Tôi phải quan sát nhịp thở của ông để bón cho ông từng thìa cháo nhỏ, từng ngụm nước để ông không bị nghẹn…”

Người thân, đồng nghiệp, học sinh hằng ngày ra bệnh viện thăm Thầy, nhìn Thầy những lúc đó, nước mắt lại nghẹn rơi… Sau mấy tháng chăm sóc Thầy, cô Lý, người vợ hiền của Thầy vốn sức khỏe không được tốt lại càng thêm tiều tuỵ đi. Những ai gắn bó với Thầy Kiểu đều không thể quên, ở trong khoa nội bệnh viện Hà Tĩnh hồi ấy, có một bệnh nhân – một người thầy đang từng giờ chống chọi với bệnh tật. Tóc đã bạc gần hết, thân thể gần như suy kiệt, phải thường xuyên thở bằng oxy. Và Thầy không còn nói được nữa. Duy chỉ có đôi mắt của Thầy là vẫn sáng.

Và dường như tất cả những nỗi niềm của Thầy đều dồn vào đôi mắt ấy, đôi mắt của một trí tuệ mẫn tiệp, một tâm hồn tha thiết yêu sự sống mà thấy mình bất lực. Nhiều lúc, tôi như thấy, nước mắt ứa ra từ đó. Thầy xúc động khi thấy học trò đi xa, trưởng thành vẫn tìm về thăm. Thầy Nguyễn Đăng Ái, trong lời phát biểu cảm nghĩ lúc chia tay quãng đời 19 năm làm hiệu trưởng trường Chuyên Hà Tĩnh của mình đã xúc động nhắc lại: Thương lắm, nhớ lắm những người đồng nghiệp cũ đã đi xa, anh Trương Biên Thuỳ, anh Đinh Nho Kiểu. Không thể nào quên những giờ phút cuối cùng, dù đã rất yếu, các anh vẫn gắng gượng vì học sinh, vẫn đến trường chỉ để nhìn học sinh một lát, dù không thể dạy được nữa… Cả cuộc đời người Thầy ấy chỉ luôn thường trực một nỗi trăn trở về học sinh, về những gì đã làm được và không thể làm được cho các học trò yêu quý. Chị Hương kể lại, Thầy có thói quen để những giấy tờ quan trọng trong túi áo. Lúc biết cha sắp mất, chị xin ông cất hộ và chị đã không ngờ được, đó chỉ là… thẻ bảo hiểm y tế và danh sách 8 học sinh đạt giải trong kì thi HSG quốc gia môn Lý năm đó (!!!). Nhưng tình cảm của vợ con, của đồng nghiệp và các thế hệ học sinh cũng chỉ giữ được Thầy một thời gian ngắn ngủi. Một ngày hè định mệnh, ngày 13 tháng 6 năm 2004, mái trường Năng khiếu tỉnh thân yêu đã không còn Thầy Kiểu nữa. Đợt đó, đang giữa mùa hè oi bức mà bỗng dưng có áp thấp nhiệt đới, Hà Tĩnh mưa như trút nước. Mưa ngoài trời mà lạnh đến cả trong tim…

3. Cũng trong một ngày hè nóng bức, tôi ngồi trong căn nhà số 375 đường Nguyễn Du, trước mặt là bàn thờ có di ảnh của Thầy. Góc bàn thờ cũng đã phủ bụi thời gian. Bảy năm, Thầy đã thuộc về một cõi khác, nhưng trong tiềm thức của những thế hệ học trò như chúng tôi, thì thầy như vẫn còn đó. Vẫn ánh mắt sâu thẳm và nụ cười nhân hậu, yêu thương cuộc đời, yêu thương từng thế hệ học sinh mà không đòi hỏi cho riêng mình một chút gì… Trong chặng đường 20 gian khó và thành công của trường Chuyên Hà Tĩnh đã có một cuộc đời, một con người như thế. Tôi xin được mượn lời một ông già trong vở kịch “Người trong cõi nhớ” (Lưu Quang Vũ) để tặng Thầy: “Chúng tôi là những người đã chết. Nhưng người ta chỉ chết hẳn đi khi không còn sống trong lòng người khác nữa. Ngoài thế giới của những người đang sống và cõi lặng im của người đã chết, còn một cõi thứ ba nữa: đó là cõi của những người đang sống trong trí nhớ của người khác, những người không bị lãng quên. Nơi chúng tôi đang ở chính là cõi đó. Chúng tôi vẫn đang được những người đang sống nhớ đến, nhờ vậy chúng tôi vẫn còn được sống”. Và tôi tin trong thế giới đó, linh hồn Thầy được siêu thoát, nhẹ nhõm, bởi Thầy đã sống một cuộc đời thực sự ý nghĩa.

Thái Thanh Huyền – Tháng 7/2011.

You may also like...