CỰU HỌC SINH TIÊU BIỂU: PHAN MẠNH TÂN – TOÁN KHÓA 8

PHAN MẠNH TÂN – HÀNH TRÌNH CHINH PHỤC ĐỈNH CAO

.

          Nhắc đến chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” hẳn mỗi ai trong chúng ta đều nghĩ đến một cuộc đua leo núi chinh phục kiến thức, đỉnh cao trí tuệ dành cho các thí sinh mà người về đích nhanh nhất, với điểm số cao nhất sẽ nhận được vòng nguyệt quế, biểu tượng của chiến thắng. Huyền thoại và biểu tượng về một đỉnh núi cao nhất, nơi ngự trị của các vị thần cho ta biết con đường để bước tới và chinh phục đỉnh vinh quang thật lắm gian nan và nhiều thử thách…Và dường như chỉ cần nhắc đến những từ khóa này thôi, thế hệ các thầy cô giảng dạy và học sinh học tập dưới mái trường THPT Chuyên Hà Tĩnh sẽ nghĩ ngay đến anh Phan Mạnh Tân – cựu Học sinh chuyên Toán khóa 8 của trường – Quán quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 2, năm 2001. Hiện tại, anh đang công tác trong ngành công nghệ thông tin ở tập đoàn IBM. Anh có vợ, hai con trai và đang sinh sống ở thành phố Melbourne, Australia. Khi nhìn lại hành trình đã qua của cuộc đời mình, anh vẫn hình dung nó như một cuộc đua leo núi, chinh phục đỉnh núi thật sự.

          1. QUÁN QUÂN OLYMPIA CHỈ LÀ BƯỚC KHỞI ĐỘNG

          Năm 2001, chàng trai đến từ vùng đất học Hà Tĩnh đã trở thành người chiến thắng trong cuộc đấu trí tuệ Olympia đầy gay cấn, nghẹt thở đến phút chót. Thời đó, cái tên Phan Mạnh Tân ngập tràn trên các sạp báo. Đi đến đâu cũng thấy người ta nhắc đến anh chàng chuyên Toán khóa 8 này với gương mặt điển trai và nụ cười tỏa nắng. Về đích với vị trí quán quân đã cho anh cơ hội du học sang xứ sở chuột túi Kangaroo, đất nước có biểu tượng nhà hát Opera Sydney với hình mái vòm như những con sò độc đáo – đất nước Australia xinh đẹp. Đã 20 năm trôi qua, với anh thành tích đó dường như mới chỉ là bước khởi động, một bệ phóng để tạo bước đà cho những thành công sau này.

          Để có được thành quả ngọt ngào đó, anh vẫn thầm cảm ơn ngôi trường cấp 3 mà mình theo học. Anh vẫn nói với các con của anh rằng nếu bố chúng không học tập dưới mái trường THPT Chuyên Hà Tĩnh thì khả năng thành công ở Olympia thực sự thấp hơn nhiều. Ba năm học ở Chuyên có lẽ là ba năm mà anh tiếp nhận được nhiều kiến thức nhất và trưởng thành nhanh nhất trong cuộc đời mình. Ở đó, “mỗi thầy cô thật sự là một thư viện, là một cuốn bách khoa toàn thư về kiến thức giúp tôi có cơ hội được học hỏi và chiếm lĩnh lượng tri thức khổng lồ, vô tận mà cuộc thi đó đặt ra”.

          Chia sẻ với chúng tôi, ngoài việc học từ thầy cô và sách vở thì anh cũng đã học tập được rất nhiều điều từ bạn bè và các anh chị đi trước. Các bạn trong lớp anh luôn đồng hành sát cánh cùng anh trong việc ôn tập và hệ thống hóa kiến thức. Anh Tân hào hứng kể lại “Thời đó, tôi chưa được tiếp xúc nhiều với máy tính. Tôi còn nhớ ở lớp có bạn Việt Anh là cao thủ của mảng tin học. Việt  Anh đã luôn hỗ trợ tôi rất nhiều về lĩnh vực này. Mặc dù đến khi đi thi, hầu như tôi toàn trả lời sai các câu hỏi về môn tin !!!”.

          Thuở nhỏ, anh Tân rất đam mê đọc sách. Sách thật sự đã mở ra trước mắt anh những chân trời rộng lớn của tri thức. Lúc đang học cấp 1, cấp 2, môn học nào anh cũng đi thi (trừ môn tin học). Anh xem sự học là một quá trình không ngừng nghỉ. Và phải chăng với những cuốn sách thời thơ ấu, những kì thi anh chinh phục giúp cho kiến thức của anh được củng cố và bồi đắp nhiều hơn ?

          Thời đó, anh Tân cũng rất tích cực tham gia các công tác đoàn đội. Anh vinh dự vì được tham gia kéo cờ và thỉnh thoảng được điều hành lễ chào cờ vào mỗi sáng thứ hai đầu tuần. Sau lên cấp 3, anh nhớ có lần được ra thành phố Vinh xem trận chung kết Bảy sắc cầu vồng Bắc Miền Trung. Năm đó, trường Năng Khiếu Hà Tĩnh đạt chức vô địch, anh lại càng thích và có động lực để đi thi Olympia hơn. Đó cũng là một yếu tố giúp anh làm quen và tự tin hơn trước ống kính trường quay của Đài truyền hình. Anh Tân chia sẻ với chúng tôi “ Cùng với một túi tri thức thật đầy nhờ quá trình tự học, đọc sách thì việc chinh chiến nhiều tại các cuộc thi, bứt mình ra khỏi cái tổ kén vây bọc suy nghĩ của mình để hòa nhập, học hỏi nhiều điều hay từ người khác” là cơ sở giúp anh có được sự tự tin, và tạo được một phong độ tuyệt vời, một phong độ đỉnh cao dưới áp lực mà cuộc thi mang lại. Và đương nhiên, “để được là Vô địch ở vòng Chung kết Olympia thì yếu tố may mắn cũng đóng một phần rất quan trọng !”.

          2. NỖ LỰC VƯỢT QUA CHƯỚNG NGẠI Ở XỨ NGƯỜI

Sau bước khởi động thì việc học tập và sinh sống tại Úc là những tháng ngày mà anh xem như là phần thi Vượt chướng ngại vật trong cuộc đời mình. Trong anh, kí ức nếm trải cái Tết xa nhà đầu tiên ở xứ người vào năm 2003 vẫn còn những xúc cảm vẹn nguyên.

          Môi trường ở Úc rất thân thiện, đa văn hóa và khác biệt hoàn toàn với Việt Nam nên trở ngại lớn nhất với anh có lẽ là phải làm sao mình cố gắng hòa đồng, hòa nhập để làm việc cho tốt. “Những gì chưa được thử nghiệm, những gì chưa vượt qua lại tạo động lực cho tôi càng muốn gắn bó với nó. Tin học với tôi cũng vậy”. Anh chọn chuyên ngành Công nghệ thông tin là mục tiêu theo đuổi sau khi sang Úc. Sau những năm tháng học tập tại khoa Công nghệ thông tin tại trường ĐH Tổng hợp Swinburne anh được chọn học một năm danh dự (không qua Thạc sĩ) rồi được chuyển thẳng làm Tiến sĩ tin học. Sau khi tốt nghiệp, anh có cơ hội được ở lại trường đại học để tiếp tục gắn bó với nghiên cứu và giảng dạy nhưng nhận được lời mời làm việc của tập đoàn IBM nên anh quyết định thử sức ở môi trường tập đoàn doanh nghiệp. Anh đam mê và gắn bó với công việc hiện tại hơn 10 năm nay.

          Công nghệ thông tin là ngành chuyển biến nhanh, nhiều cơ hội và thách thức nên công việc luôn cuốn hút anh vào vòng xoáy của nó. Chuyên ngành này còn giúp anh học được rất nhiều điều mới mẻ mỗi ngày. Tuy nhiên, anh chia sẻ “Do cách biệt về văn hoá, nên tôi gặp ít nhiều khó khăn trong môi trường làm việc khi các đồng nghiệp và đối tác chủ yếu là người bản xứ”. Cho nên, khi xây dựng các mối quan hệ hợp tác chiến lược hoặc khi phải làm công tác phỏng vấn, tuyển dụng, quản lý nhân sự anh luôn chú ý quan tâm đến yếu tố này và cố gắng nhiều hơn.

          3. TĂNG TỐC – CÓ THỂ ĐI NHANH HOẶC CHẬM, NHƯNG PHẢI CHẮC CHẮN

          Vượt qua được những trở ngại kể trên thì việc sinh sống và định cư ở Úc cũng không khiến anh thay đổi nhiều là mấy. Qua Úc năm 19-20 tuổi, anh đã được định hình về tính cách. Một tính cách Việt Nam dù anh đi làm ở môi trường nước ngoài và phải hòa nhập với phong cách của nơi mà anh sống, làm việc.

          Sau quãng thời gian ổn định cuộc sống gia đình, anh Tân tập trung trở lại để phát triển sự nghiệp của mình và như anh gửi gắm niềm tin “Tôi muốn làm một điều gì đó đột phá trong tương lai”. Anh tâm đắc với câu nói của GS Ngô Bảo Châu khi nói về thành công cần ba nhân tố: “Kỷ luật, đam mê và quả cảm”. Đặc biệt, với guồng quay bất tận của một nước có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ như Úc thì việc làm việc sâu (Deep Work), tập trung cao độ là bí quyết thành công của anh. Phương châm của anh “Là bao giờ cũng cố gắng làm tốt nhất công việc của mình, làm hết khả năng, và tận dụng tối đa thời gian. Đi chậm cũng được, nhưng phải chắc”. Anh tâm sự rằng “Trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia có phần thi Tăng tốc, nghĩa là mỗi bạn thí sinh cần bứt tốc (bứt phá và tăng tốc) thật ngoạn mục để về đích. Nhưng với tôi, Tăng tốc chính là nỗ lực hết sức để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình tại thời điểm đó”.

          Anh trải lòng với chúng tôi “Có lẽ chính phương châm bao giờ mình cũng gắng làm tốt nhất công việc của mình, và làm hết khả năng, thời gian là mấu chốt giúp tôi có được thành công từ một kiến trúc sư phần mềm trở thành quản lý cấp cao thuộc bộ phận tư vấn của IBM, tập đoàn công nghệ thông tin lớn toàn cầu”.

          Chia sẻ với chúng tôi về một trải nghiệm nghề nghiệp mà anh nhớ nhất, anh nói “Năm 2019, trong một chuyến công tác ở trụ sở IBM ở Mỹ, tôi được các đồng nghiệp giới thiệu về một dự án tư vấn họ vừa làm cho tập đoàn VinFast. Họ đánh giá rất cao các nhân viên Việt Nam làm việc trong dự án đó về tính chuyên nghiệp và khả năng sáng tạo. Điều đó làm tôi vô cùng tự hào”. Trong anh, niềm tự hào vì là người con của Hà Tĩnh, vùng đất học Hồng Lam vẫn còn vẹn nguyên.

          4. HƯỚNG VỀ ĐÍCH – KỈ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG CHUYÊN HÀ TĨNH

          Dù xa quê hương nhưng anh vẫn thấy Việt Nam vẫn ở ngay bên mình. Anh có vợ là người Bắc, là người phụ nữ của gia đình. Anh có hai cậu con trai kháu khỉnh. Tại Úc, anh đang sống rất gần nhà một người bạn cùng lớp cấp 3 là anh Huy Đức, chuyên Toán khóa 8. Vợ anh ấy là chị Hà Linh, chuyên Văn khóa 10. Vào dịp cuối tuần, anh vẫn hội ngộ với gia đình anh chị, được trò chuyện với nhau bằng giọng Hà Tĩnh ấm ấm, thân thương và ôn lại những kí ức đã có dưới mái trường cấp 3 nằm lặng lẽ trên con đường Đặng Dung ngày đó.

          Xa trường, anh vẫn nhớ những câu chuyện mà bố mẹ anh kể bên bữa cơm gia đình về thành tích học tập đáng nể của các anh chị khóa trước. Lúc đó, bố anh thầy giáo Phan Văn Tường, là một trong những giáo viên thế hệ đầu tiên của nhà trường. Anh cũng nhớ rất nhiều kỉ niệm những lần chờ bố ở khu tập thể giáo viên với giếng nước cạnh cây bàng, ngắm nhìn các anh chị vui chơi hay học giờ thể dục với cả sự ngưỡng mộ. Ấn tượng sâu sắc nhất của anh là “Những lần học đội tuyển quốc gia. Những buổi chiều, những đêm muộn được cùng các bạn say mê giải các bài tập hóc búa, rồi sau giờ học lại cùng nhau đạp xe lên “ngõ hẻm” ăn bánh bèo trong cái lạnh cuối đông… Có lẽ là một trong những kỷ niệm ngọt ngào nhất của tuổi trẻ, vẫn theo tôi đến tận bây giờ”.

          Hướng về trường nhân dịp 30 năm thành lập anh Tân gửi lời chúc đến các bạn trẻ “Hãy cứ theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”. Những ai đam mê ngành công nghệ thông tin thì hãy cứ lựa chọn, bởi đó là chuyên ngành có nhiều cơ hội và tiềm năng dù bạn sống ở Việt Nam hay nước ngoài. Anh tin tưởng và gửi gắm hi vọng “Các bạn học sinh chuyên Hà Tĩnh hiện nay, ngoài việc giỏi toán và logic, còn hơn hẳn thế hệ chúng tôi về khả năng ngoại ngữ và được tiếp xúc với máy tính từ nhỏ. Vì vậy tôi nghĩ nếu các bạn chọn ngành này, sẽ rất nhiều bạn có thành công đột phá trong tương lai”.

          Đã 20 năm trôi qua kể từ ngày anh rời xa mái trường nhưng với chúng tôi, thế hệ sau này vẫn mãi nhớ đến một nụ cười thật hiền, gương mặt thân thiện, đôi mắt đen láy và những cử chỉ ấm áp thân tình của anh Phan Mạnh Tân. Trong chúng tôi, anh Tân mãi là biểu tượng của một nhà leo núi, chinh phục đỉnh Olympia, một nhà leo núi đứng được trên đỉnh cao nhất, sừng sững nhất của một cuộc đấu trí tuệ…Cuộc trò chuyện với anh gieo cho chúng tôi hi vọng về những hành trình chinh phục đỉnh núi mang tên ước mơ, khát vọng riêng của đời mình. Bởi lẽ, ai cũng khát khao được “…Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi, để ta khắc tên mình trên đời. Dù ta biết, gian nan đang chờ đón…”.

~News Team~

You may also like...