CỰU HỌC SINH TIÊU BIỂU: TRẦN NHẬT TÂN – TOÁN KHÓA 2

TRẦN NHẬT TÂN – TÌM LẠI KÝ ỨC

VỚI NHỮNG “ĐIỀU – KHÔNG – HOÀN – HẢO”

            Anh không nói về hiện tại. Anh chỉ nhớ về quá khứ. Ai cũng có những mảnh vỡ ký ức nào đó được giấu kín nơi phần sâu thẳm nhất của tâm hồn. Chỉ khi nào gặp được người cùng thời, cùng trải qua những tháng năm xưa cũ ấy, trái tim mới đồng cảm trái tim, kỷ niệm nối dài kỷ niệm và chúng ta cứ thế nói ra những điều chân thật nhất. Và tôi, rất may mắn được là người cùng thời với anh, nên câu chuyện cũng trở nên cởi mở hơn…

           * Vì sao anh không nói về tương lai mà chỉ kể về quá khứ?

           – Quá khứ là tuổi thơ, là nguồn cội. Những trải nghiệm cuộc sống chúng ta học được từ ngày xưa ấy đã góp phần hình thành nên chúng ta của sau này.

           Tuổi thơ không lặp lại, bởi vì thời gian đã qua đi. Nên khi nói về thời còn cắp sách tới trường, tôi như đang làm một cuộc hành trình ngược dòng thời gian trở về với những năm tháng đầu tiên khi trường mới thành lập. Và thực ra quá khứ luôn có mặt trong cả hiện tại và tương lai của mỗi chúng ta.

           * Trong quãng đời học sinh của mình ở trường Chuyên Hà Tĩnh, anh nhớ nhất điều gì?

           – Có nhiều điều đáng nhớ, nhưng nhớ nhất là những điều không hoàn hảo. Những thứ hoàn hảo đã làm tròn sứ mệnh của nó trong quá khứ. Chỉ có điều không hoàn hảo mới dai dẳng trong lòng, mới đi theo ta suốt cuộc đời.

           Đó là ký ức về những ngày tháng học tập ở phòng học lợp giấy dầu, những cô cậu học sinh chúng tôi giải toán trên những trang vở thấm nước mưa do bị dột nước, thầy viết lên bảng bằng mẩu phấn ngấm nước những con số mờ mờ… Có những khi, ngoài trời mưa gió, trong phòng tối lạnh nhưng những ánh mắt luôn sáng rực và đầy quyết tâm.

            Đó còn là ký ức về món “đặc sản” riêng của học sinh trường Năng khiếu Hà Tĩnh mấy năm đầu: Ghẻ. Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nhiều khi không đảm bảo vệ sinh, nên hầu như các bạn ở nội trú đều bị ghẻ. Sau đó lây sang các bạn ngoại trú. Ghẻ không chỉ khiến các bạn ngồi đâu gãi đó, mà còn để lại nhiều “di chứng”, đó là những đám “hoa chân” “hoa tay”. Thật là “sột soạt cả lớp – hoa nở bốn mùa”! Mỗi lần hội ngộ cùng nhau, chúng tôi đều nhắc kỷ niệm này.

            * Cũng có những thứ được xem là hoàn hảo chứ? Ví dụ hồi đó, đàn em khóa sau luôn ngưỡng mộ anh Trần Nhật Tân – người sở hữu “Bộ sưu tập” bằng khen, giấy khen Giải Nhất Tỉnh môn Toán từ lớp 9 đến lớp 12?

           – Cũng là một “chiến tích” đáng kể thuở học sinh. Trong lớp Chuyên Toán hồi đó, tôi thường ở vị trí dẫn đầu và đạt giải Nhất trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Ở nhà bố mẹ tôi vẫn còn giữ lại những tấm bằng khen, giấy khen này. Nhưng điều đó vẫn không phải là hoàn hảo.

           * Vẫn còn chưa hoàn hảo sao anh?

           – Đúng vậy. Năm tôi học lớp 11T, lần đầu tiên có đội tuyển tham dự kì thi học sinh giỏi Quốc gia lớp 12. Nhiều kỳ vọng và tin tưởng của các thầy cô, của sở Giáo dục Đào tạo và nhà trường, rằng chúng tôi sẽ mang về giải Toán quốc gia đầu tiên của lớp 12 cho tỉnh, cho trường sau vài năm thành lập. Thầy trò cũng đã nỗ lực hết sức mình mong làm được điều gì đó đem lại vinh dự cho ngôi trường yêu quý.

           Thế rồi năm đó, tôi đạt điểm số cao nhất trong đội tuyển, nhưng vẫn còn thiếu mất nửa điểm để có thể đạt giải. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác lúc nhận được kết quả. Buồn, có một chút, nhưng tiếc nuối nhiều hơn vì đã chủ quan trong trình bày bài giải… và cả thương thầy giáo của mình nữa. Thầy Trịnh Hộ, giáo viên chủ nhiệm đội tuyển Toán lúc ấy đã ôm lấy tôi và khóc… Sau này cuộc đời có nhiều nỗi buồn lớn hơn, cũng có những nỗi thất vọng lớn hơn, nhưng chóng qua, còn khoảnh khắc đầu tiên ấy lại khó thể nguôi quên đến thế. Mỗi lần nhớ thầy, nhớ trường xưa, tôi không khỏi ngậm ngùi về chút ký ức ấy.

            * Năm ấy anh mới học lớp 11, không phải anh còn cơ hội làm lại vào năm sau?

            – Đến năm 12, tôi chuyển sang thi Hóa vì sợ ảnh hưởng đến thi Đại học nếu chỉ tập trung mỗi môn Toán. Nhưng giải quốc gia môn Hóa năm đó cũng không khỏa lấp được tiếc nuối năm xưa…

            * Hồi đó, anh nổi tiếng là hotboy với đàn em khóa dưới? Anh có biết điều này không nhỉ? Ngoài kỷ niệm học hành, anh có kỷ niệm gì với một cô gái nào đó “đang độ trăng tròn” trong chiếc áo tinh khôi “trắng cả đường về” không?

            – Ai cũng có một “thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Phượng hồng, ve sầu, bằng lăng với các bạn gái; bóng đá, bóng bàn, trèo cây, rồi cả đánh nhau sứt đầu mẻ trán… với các bạn trai. Tôi mải mê học, tôi mê mải chơi, và cũng có chút rung động, xao xuyến tuổi học trò. Nhiều kỷ niệm sâu sắc, đáng nhớ, chỉ là không biết nên bắt đầu như thế nào thôi.

            * Ai rồi cũng phải trưởng thành, cũng từng trải với cuộc đời. Vị trí của anh bây giờ cũng có thể xem là thành đạt. Anh có điều gì muốn chia sẻ với thế hệ đàn em khóa sau?

            – Đọc sách và đọc bất cứ khi nào có thể. Văn hóa đọc và học từ sách là truyền thống bao đời nay của người dân nghèo khó nhưng hiếu học Hà Tĩnh. Rất nhiều người hiểu được giá trị của sách trong việc hình thành nhân cách và bồi đắp tâm hồn cho con trẻ. Có vẻ như văn hóa đọc đang có dấu hiệu bị mai một. Giới trẻ bây giờ thích smartphone hơn sách, thậm chí khá thờ ơ với việc đọc sách… Tôi đã từng tặng, và vận động tài trợ rất nhiều sách cho các em học sinh, cũng đang nỗ lực tìm giải pháp để các em có thêm cơ hội đọc sách, mong tạo ra môi trường đọc sách, khơi dậy sự hứng thú của các em với sách…

            Và tất nhiên, không chỉ đọc sách. Lời khuyên của tôi cho các em khóa sau là đừng từ bỏ đam mê. Không ai giống ai, nhưng chắc hẳn ai cũng có một niềm đam mê của riêng mình. Bền bỉ, kiên trì và không nản chí, theo đuổi niềm đam mê đến cùng, chắc chắn các em sẽ có được thành quả.

           * Trong câu chuyện của mình, hình như anh nghiêng về những tiếc nuối, day dứt, những điều chưa làm xong, còn dang dở…, nhưng rõ ràng cảm xúc của chúng ta luôn đa chiều, phong phú. Vậy có điều gì làm anh thấy vui không?

            Có chứ. Đó là niềm vui, là tự hào thực sự về mái trường mới 30 tuổi nhưng đã có rất nhiều học sinh ra trường, thành đạt, là chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học, kinh doanh… Họ là những cựu học sinh mới ở độ tuổi 40 – 45 thôi, thậm chí trẻ hơn, nhưng đã có nhiều cống hiến, đóng góp cho xã hội, cho đất nước. Và con số ấy, không phải là hiếm hoi… Thật đáng tự hào.

            Một nhà văn từng viết rằng: “Dù mai sau, các nhà vật lý và các triết gia chứng minh thời gian không tồn tại, thì người ta vẫn thương nhớ thời gian đã mất”. Không chỉ với riêng anh, mà tôi, cũng thích trở về quá khứ. Quá khứ có những điều không hoàn hảo, nhưng mỗi chúng ta sau này đã trưởng thành, vẫn mong được trở về, để lại được dại khờ, nông nổi như ngày xưa… Thời gian không mất đi, thời gian ở lại trong nỗi nhớ của mỗi chúng ta.

            Cảm ơn anh đã cùng tôi trở về với một thời đẹp nhất của tuổi thanh xuân.

            Facebook anh Tân: https://www.facebook.com/trannhat.tan.568

~ News Team ~                      

You may also like...