Câu lạc bộ “Ngọt” Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh sáng tạo “Phòng thí nghiệm thời đại số”

TTTĐ – Tận dụng tối đa công nghệ thông tin vào việc dạy học, đặc biệt trong hoàn cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ý tưởng về “Phòng thí nghiệm thời đại số”, dựa trên nền tảng internet của nhóm học trò tuổi teen đã ra đời. Với sáng kiến này, học sinh không cần sử dụng dụng cụ truyền thống vẫn có thể làm thí nghiệm, xem giải đáp câu hỏi của giáo viên…

         Đây là công trình dự thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2021, do Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với báo Tuổi trẻ, Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

         Ý tưởng sáng tạo của học trò chuyên Anh…

         Các bạn trong Câu lạc bộ “Ngọt” thuộc trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, đã cùng nhau bàn bạc và sáng tạo công trình. Trần Nguyễn Trà My, học sinh lớp 12 Anh 1 là trưởng nhóm ý tưởng “Phòng thí nghiệm thời đại số”. Tham gia với cô học trò là Nguyễn Thị Yến Như, bạn cùng lớp và Bùi Thị Hoàng Anh, lớp 12 Sử – Địa.

Trần Nguyễn Trà My, trưởng nhóm ý tưởng

Trần Nguyễn Trà My học chuyên Tiếng Anh nhưng cô gái lại rất đam mê nghiên cứu ở lĩnh vực khoa học tự nhiên. My và các bạn trong nhóm đặt vấn đề, thời đại số – thời đại thông tin hay thời đại máy tính, chính là giai đoạn lịch sử tạo điều kiện tuyệt vời cho sự phát triển của nhân loại nói chung và giáo dục nói riêng. Sự phát triển của công nghệ thông tin, internet mở ra một kho tàng kiến thức đồ sộ, phong phú để học sinh và giáo viên đều có thể trao đổi và tiếp nhận. Hiện nay, hầu như tất cả mọi người đều sử dụng internet, số lượng người dùng tăng lên không ngừng.

         Từ đó đã có nhiều cuộc thi tri thức thông qua mạng internet ra đời, tiêu biểu như cuộc thi giải toán trên mạng Violympic, Olympic tiếng Anh… Những cuộc thi giúp học sinh chủ động hơn trong việc tiếp thu kiến thức và tạo được hứng thú học tập. Như vậy, tại sao chúng ta không tận dụng tối đa công nghệ thông tin vào việc dạy học, nghiên cứu nhất là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Nguyễn Thị Yến Như – thành viên nhóm ý tưởng

“Để đáp ứng nhu cầu học tập xuyên suốt trong thời kỳ đại dịch Covid-19, chúng mình đề xuất sáng kiến “Phòng thí nghiệm thời đại số”, giúp học sinh chủ động hơn trong việc thực hiện các thí nghiệm theo giáo trình của sách giáo khoa mà không bị ảnh hưởng bởi sự nghiêm trọng của Covid-19.

         Chính chúng mình và các bạn học sinh sẽ có cơ hội mày mò, sáng tạo thí nghiệm theo cách của từng cá nhân trên websites như phet.colorado.edu để học tập và nghiên cứu tốt hơn. Chỉ cần truy cập vào trang web sẽ có cơ hội tiếp cận với rất nhiều thí nghiệm liên quan đến các môn khoa học, qua đó không những khiến cho trải nghiệm thêm phần thú vị mà còn tạo động lực học tập, nghiên cứu cho học sinh”, Trần Nguyễn Trà My cho hay.

Bùi Thị Hoàng Anh – thành viên nhóm ý tưởng

Chủ động học tập, nghiên cứu trong đại dịch

        Là Chủ tịch Câu lạc bộ “Ngọt”, Nguyễn Thị Thuý Hiền, học sinh lớp 12, trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, đã chọn lọc và đăng sáng kiến “Phòng thí nghiệm thời đại số” của nhóm bạn trẻ lên để tham gia dự thi chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2021.

         Hiền cho biết, các bạn sáng tạo công trình này đều là thành viên của “Ngọt” và rất năng động, đam mê nghiên cứu khoa học tự nhiên, dù các bạn chủ yếu học chuyên về tiếng Anh và khoa học xã hội. Trần Nguyễn Trà My là Phó Chủ tịch, Nguyễn Thị Yến Như – Trưởng ban Hậu cần và Bùi Thị Hoàng Anh là Trưởng ban Tài chính đối ngoại của câu lạc bộ.

Câu lạc bộ ” Ngọt” làm việc trực tuyến

Với ý tưởng này, nhóm mong muốn học sinh có một cách học chủ động hơn ngay cả trong thời kỳ đại dịch. Ở thời điểm khi mà tụ tập đông người và tiến hành thí nghiệm trực tiếp đang bị hạn chế, “Phòng thí nghiệm thời đại số” là nơi học sinh có thể tiếp cận với môi trường này mọi lúc, mọi nơi và không bị ngăn cản bởi những nhân tố khác. Vì vậy, việc tiếp thu kiến thức của các môn có liên quan nhiều đến thí nghiệm của học sinh sẽ không bị gián đoạn hay ảnh hưởng.

         Nguyễn Thị Thuý Hiền chia sẻ: “Ý tưởng “Phòng thí nghiệm thời đại số” còn có nhiều tiềm năng khác như không phải tiêu tốn bất kì chi phí nào cho dụng cụ cần thiết, hay quá nhiều thời gian như cách thí nghiệm truyền thống.

         Ngoài ra, việc áp dụng ý tưởng này vào thực tiễn còn có thể giúp giảm thiểu lượng rác thải hóa học thải ra môi trường mỗi ngày. Nghiên cứu đã chỉ ra cả hai cách tiến hành đều có hiệu quả như nhau trong quá trình tiếp thu kiến thức của học sinh. Vì vậy có thể thấy rằng ý tưởng này rất hữu ích, nhất là trong thời buổi đại dịch hiện nay”.

Theo Lê Dung, Báo Tuổi Trẻ Thủ đô

You may also like...